Để tín dụng chính sách tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, những tháng còn lại của năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Hậu Giang thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho người dân. Phóng viên Báo Hậu Giang có phỏng vấn ông Nguyễn Minh Vương (ảnh), Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hậu Giang, xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về việc giải ngân vốn vay trong những tháng đầu năm nay ?
– Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, hội đoàn thể đã tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua. Thực hiện kế hoạch vốn Trung ương và UBND tỉnh giao năm 2024 tổng số tiền là 344 tỉ đồng, tỷ lệ tăng 8% so với năm 2023. Sau khi nhận được chỉ tiêu nguồn vốn được giao, chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phân bổ chỉ tiêu về cho các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Đến nay, cơ bản nguồn vốn được giao đã giải ngân đạt trên 99% chỉ tiêu giao.
Khách hàng vay vốn tại điểm giao dịch xã.
Trong những chương trình tín dụng cho vay, hiện nay chương trình nào đã phát huy hiệu quả tích cực nhất, thưa ông ?
– Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang hiện cho vay và quản lý nợ hơn 20 chương trình, bao gồm nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương. Mỗi chương trình tín dụng đều có ý nghĩa khác nhau và mỗi chương trình đều mang lại hiệu quả tích cực cho người dân.
Tuy nhiên, sau 20 năm thành lập tỉnh, năm 2024 là năm mà Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh rất quan tâm đến gia đình người có công với cách mạng, đã chuyển hơn 52 tỉ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người có công trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra thực tế gia đình người có công sau khi vay vốn đã sử dụng vốn vay rất hiệu quả, những mảnh vườn được trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thay đổi rất lớn vào diện mạo nông thôn. Với quan điểm của lãnh đạo tỉnh là các gia đình chính sách phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn mức bình quân của tỉnh, vì thế với nguồn vốn hỗ trợ này các gia đình chính sách tích cực tham gia vào quá trình sản xuất, từ đó có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình thay đổi rõ nét.
Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Thưa ông, vấn đề còn khó trong công tác quản lý nguồn vốn hiện nay là gì ?
– Trong thời gian qua công tác quản lý nguồn vốn cũng còn gặp những khó khăn nhất định, như một số gia đình sau khi vay vốn đã bỏ địa phương đi làm công nhân hoặc các nghề khác ở các địa phương khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… không thực hiện trả lãi, trả nợ đúng hạn khi nợ đến hạn. Cũng còn số ít hộ gia đình sử dụng vốn không đúng mục đích dẫn đến mất vốn gặp rất nhiều khó khăn khi nợ đến hạn. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của hội đoàn thể nhận ủy thác ở một số nơi còn mang tính hình thức, việc bình xét cho vay còn nể nang nên nguồn vốn chưa phát huy tối đa hiệu quả dẫn đến phát sinh nợ xấu.
Thưa ông, để góp phần cho tỉnh đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong những tháng cuối năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp nào ?
– Trong thời gian qua, tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục góp phần cho tỉnh đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động mọi nguồn lực và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho các đối tượng thật sự chí thú làm ăn, có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiếp tục phối hợp với các cấp, chính quyền địa phương, hội đoàn thể đưa nguồn vốn đến đối tượng vay kịp thời, quản lý việc sử dụng nguồn vốn vay của khách hàng cho đúng mục đích.
Ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích hợp các chính sách khác vào đối tượng cần hỗ trợ để đủ nguồn lực cho họ phát triển kinh tế gia đình. Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn kỹ thuật định hướng cho họ trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với khả năng, năng lực và điều kiện thực tế của họ, tránh tình trạng trồng rồi chặt, nuôi không có đầu ra cho sản phẩm.
Xin cảm ơn ông !
T.XOÀN thực hiện
Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/tai-chinh/huy-dong-moi-nguon-luc-de-dap-ung-nhu-cau-vay-von-cua-ho-dan-136226.html