Tỉnh Hậu Giang sẽ sắp xếp lại nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh để có cơ chế, chính sách đầu tư, giúp sản phẩm OCOP vươn xa hơn nữa.
Theo Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, trong số 348 sản phẩm OCOP của tỉnh được cộng nhận từ 3 đến 4 sao, nhóm thực phẩm nông sản chiếm hơn 60%.
Đồng hành cùng các chủ thể
Thời gian vừa qua, từ sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành và địa phương, các chủ thể tham gia rất tích cực, tạo ra nhiều dòng sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt, tạo uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các chủ thể mà còn góp phần giải quyết việc làm tại chỗ ở địa phương.
Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn còn thường xuyên hỗ trợ tư vấn cho chủ thể về mẫu mã bao bì, xây dựng vùng nguyên liệu sạch, các sản phẩm nông sản đứng vững trên thị trường, những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Mới đây, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thị xã Long Mỹ công nhận thêm 9 sản phẩm OCOP năm 2024, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao của thị xã lên 45 sản phẩm sau gần 4 năm thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao trong chương trình OCOP không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Sự công nhận này giúp khẳng định thương hiệu nông sản thị xã Long Mỹ, đồng thời tạo động lực cho các nhà sản xuất và hợp tác xã tiếp tục cải tiến và đổi mới.
Theo lãnh đạo UBND thị xã Long Mỹ, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã trong quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, thị xã Long Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các nhà sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường trong nước và quốc tế sẽ được chú trọng hơn nữa để sản phẩm OCOP của thị xã và của tỉnh vươn xa hơn nữa.
Tương tự, ông Lê Hoàng Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết từ năm 2018 đến 2020, Chương trình OCOP của huyện mới bắt đầu khởi sắc. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, huyện đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mỗi năm huyện phấn đấu có từ 7-8 sản phẩm OCOP. Sau đó, UBND huyện ban hành kế hoạch để thực hiện mục tiêu này. Từ đây, mỗi năm huyện phát triển được 7-8 sản phẩm, có năm được khoảng 10 sản phẩm. Hiện nay, trong 50 sản phẩm OCOP của huyện thì có 23 sản phẩm đạt 3 sao, còn lại là 4 sao. Đặc biệt, có 4 sản phẩm đang đề xuất Trung ương tiến cử đạt 5 sao.
Thời gian qua, để hỗ trợ Chương trình OCOP, UBND huyện Phụng Hiệp thường xuyên cử cán bộ xuống làm việc với các hợp tác xã, các cơ sở xác định là thế mạnh của huyện để tư vấn các chủ thể tham gia với huyện làm sản phẩm OCOP. Từ đây, các chủ thể rất nhiệt tình hưởng ứng việc phát triển sản phẩm OCOP. “Hằng năm, huyện tổ chức tổng kết lại Chương trình OCOP để thi đua khen thưởng đối với những đơn vị có sản phẩm đoạt giải cao, qua đó khuyến khích, tạo động lực cho các chủ thể. Đặc biệt, đối với 2 tuyến cao tốc sẽ đi vào hoạt động sắp tới có đi qua địa bàn huyện, UBND huyện Phụng Hiệp sẽ liên kết với các trạm dừng nghỉ để đưa sản phẩm OCOP của huyện ra giới thiệu với khách hàng” – ông Lê thông tin.
Có cơ chế chính sách đầu tư thỏa đáng
Hướng đến xuất khẩu
Ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh – khẳng định thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới và hoàn thiện công nghệ chế biến. Tỉnh sẽ rà soát và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP của tỉnh để những sản phẩm này ngày càng vươn xa hơn.
Nói về các giải pháp để sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa hơn nữa trong thời gian tới, ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh sẽ tập trung một số công việc như: Tuyên truyền, đào tạo tập huấn chuyên sâu cho các chủ thể nắm rõ, chặt chẽ, quy trình, thủ tục Bộ tiêu chí đánh giá; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ chủ thể; hỗ trợ tư vấn những nội dung nào khó cần thời gian để chủ thể làm ngay.
Đồng thời, sắp xếp lại các ngành hàng chủ lực của tỉnh để chủ thể cải tiến các sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện hơn. Song song đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của các chủ thể OCOP để có hướng hỗ trợ, chấn chỉnh phù hợp. Lãnh đạo địa phương tích cực quan tâm hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể trong duy trì và phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất như: quản lý và sản xuất; bán hàng và tiếp thị; kết nối sản phẩm.
Cũng theo ông Huỳnh Thành Hữu, sắp tới, Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung vào những nhóm sản phẩm lợi thế và dư địa còn nhiều.
Trong đó, tập trung vào nhóm ngành nghề, làng nghề truyền thống; nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng nông thôn. Sắp xếp lại nhóm thực phẩm nổi trội, chủ lực của tỉnh để có cơ chế chính sách đầu tư thỏa đáng, giúp sản phẩm OCOP Hậu Giang vươn xa hơn. “Bên cạnh đó, các chủ thể cần tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm đặc trưng; ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, liên kết và hợp tác trong cộng đồng; đào tạo và nâng cao năng lực cho cộng đồng sản xuất” – ông Hữu đề nghị.
nguồn: https://nld.com.vn/dua-san-pham-ocop-hau-giang-vuon-xa-196250113101620395.htm