Các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã chú trọng hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc ứng dụng công nghệ vào sản xuất tăng năng suất và thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của người dân. |
Toàn tỉnh Hậu Giang có 15 dân tộc thiểu số, với hơn 33.450 người, chiếm 4,59% dân số của tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống đan xen, đoàn kết, gắn bó với nhau; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong giai đoạn 2019 – 2024, các chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều dự án, chính sách dân tộc được các cấp, ngành thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Báo cáo kết quả từ tỉnh cho biết: Nếu năm 2019, tỉnh có 1.615 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số thì đến cuối năm 2023, còn 948 hộ nghèo. Chưa kể, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc, đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số được tăng cường; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thế trận lòng dân được củng cố, trật tự, an toàn xã hội, an ninh chính trị được giữ vững. Kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS có những biến chuyển đáng ghi nhận. Biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trung bình hằng năm ở mức cao, là 1,66%. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,11% (năm 2019) xuống còn 3,29% (cuối năm 2023).
Cơ sở hạ tầng của tỉnh được đầu tư đồng bộ. Đến nay, 100% số xã trong vùng có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; 100% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố 100%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ đồng bào DTTS được theo dõi Đài Phát thanh truyền hình đạt 100% (vượt 5%); tỷ lệ huy động học sinh từ mầm non đến phổ thông đạt 99,82% (vượt 1,82%); tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 98% (vượt 14,19%).
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hậu Giang được Trung ương phê duyệt 49 ấp đặc biệt khó khăn, 32 xã thuộc ba khu vực vùng DTTS (trong đó có 4 xã khu vực III,14 xã khu vực II, 14 xã khu vực I). Tuy nhiên, đến giai đoạn 2021-2025, vùng DTTS của tỉnh đã giảm còn 2 xã khu vực III (tương ứng giảm 50%) và giảm 43 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III (tương ứng giảm 87,75%).
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống đồng bào DTTS . |
Trong các năm từ 2022-2024, tỉnh Hậu Giang được phân bổ 110.212 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Toàn tỉnh đã thực hiện 9/10 dự án và các tiểu dự án. Đến ngày 16/9/2024, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 43 căn nhà ở (trong đó có 23 hộ DTTS), chuyển đổi nghề cho 41 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 768 hộ; xây dựng 3 công trình nước tập trung, hỗ trợ 36 hộ chăn nuôi bò, xây dựng 08 công trình đường giao thông nông thôn…
Hiện tại, Hậu Giang đã có 41/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 huyện/thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh đang sở hữu 266 sản phẩm OCOP, trong đó: có 92 sản phẩm OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao, 11 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.
Đời sống văn hóa tinh thần, của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì và phát huy; các chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo các chế độ cho đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng theo quy định…
Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến là đồng bào các dân tộc thiểu số có cách làm hay, mô hình hiệu quả trong lao động, sản xuất, công tác, học tập… được các cấp thẩm quyền khen thưởng và nhân rộng.
Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vùng DTTS của tỉnh tiếp tục chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với các chính sách do ngành công tác dân tộc quản lý, thì tỉnh đã lồng ghép, vận dụng hiệu quả các chính sách triển khai ở vùng đồng bào DTTS. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS tỉnh Hậu Giang trong những năm tiếp theo./..