Sau 4 năm triển khai “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện Vị Thủy đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, sinh hoạt gắn với bảo vệ môi trường.
“Đề án Hậu Giang xanh” trên địa bàn huyện Vị Thủy đã góp phần xây dựng vùng nông thôn xanh cho các địa phương.
Nhiều kết quả, mô hình nổi bật
Ông Võ Xuân Hùng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Thủy, thông tin: “Đề án Hậu Giang xanh” giúp địa phương hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội. Trong đó, đạt nhiều kết quả nổi bật về công tác quản lý, kiểm soát, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải sản xuất nông nghiệp được chặt chẽ và nâng cao. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường được nâng lên, giảm tình trạng hộ dân tự xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng thiêu đốt, chôn lấp không hợp vệ sinh môi trường hoặc vứt ra môi trường. Giảm số hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản trên sông, kênh rạch gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường; cảnh quan môi trường được nâng cao, duy trì và phát triển.
4 năm thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh”, trên địa bàn huyện Vị Thủy đã thành lập 75 tổ vệ sinh môi trường ở 75 ấp với nhiệm vụ tuyên truyền, thu gom rác sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tổ chức hơn 500 cuộc hội nghị, tuyên truyền với gần 15.000 lượt người tham dự, cấp phát gần 20.000 tờ rơi; 2.650 sổ tay có gắn mã QR Code của Sở Tài nguyên và Môi trường; bố trí 480 thùng rác tạo cảnh quan môi trường và 225 xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng 336 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn. Kết quả tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý 4.822kg.
Gắn với thực hiện đề án các ngành, đoàn thể và địa phương trên địa bàn huyện còn xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như mô hình “Sản xuất phân hữu cơ nhà nông”, mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”, mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, mô hình “Đường hoa nhà sạch”, mô hình “Xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”… góp phần xây dựng cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp.
Lưu ý một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện Đề án Hậu Giang xanh trên địa bàn huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Duy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, yêu cầu: “Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân tại các ấp về phân loại và xử lý chất thải rắn. Nhân rộng các mô hình hiệu quả và ra quân thực hiện các công trình bảo vệ môi trường, hướng dẫn nông dân thực hiện canh tác nông nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đúng quy định. Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực của tổ vệ sinh môi trường; đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức hội, đoàn thể huyện và đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động về bảo vệ môi trường nhằm thực hiện đề án đạt hiệu quả cao nhất”.
Người dân “hòa nhịp”, giúp nông thôn khởi sắc
Hàng rào mai trắng, bông trang, chuỗi ngọc thẳng tắp, được cắt tỉa gọn gàng, tạo hình đẹp mắt, bên trong là những ngôi nhà khang trang, sạch sẽ và ngăn nắp… đây là thành quả của mô hình “Đường hoa nhà sạch” lồng ghép với hướng dẫn cách xử lý rác thải ở tuyến đường ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây.
Bà Lê Thị Thảnh, người dân ở ấp 7, cho hay: “Nếu trước đây nhiều hộ còn vứt rác, chai thuốc bảo vệ thực vật xuống sông, kênh thì nay hầu hết mỗi nhà đều xây hố đốt rác. Nhiều hộ còn xây dựng hàng rào bê tông, cột cờ, lắp đèn chiếu sáng trước cổng, trồng cây xanh, hoa trước nhà, ven đường, tạo vẻ mỹ quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Từ khi địa phương phát động thực hiện mô hình gắn với “Đề án Hậu Giang xanh”, bà con ở đây cũng bắt đầu thi đua với nhau trong xây dựng cảnh quan trước và trong nhà nhờ vậy, đã tạo được một môi trường sống trong lành”.
Từ đây, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao thông qua đề án, ông Trần Văn Thảnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 2, xã Vị Bình, cho biết: “Những năm đầu thực hiện đề án, địa phương thành lập tổ vệ sinh môi trường để tuyên truyền, thu gom rác sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng của người dân trên địa bàn nhưng rất khó khăn. Bà con vẫn quen cách sinh hoạt kiểu rác là gom chung rồi vứt, chứ không nghĩ đến việc phân loại chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Khi đi sâu vào thực hiện đề án, các tổ vệ sinh môi trường cùng địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, người dân giờ rất ý thức xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy định, mỗi gia đình còn xây dựng không gian sống xanh”.
Với sự đồng thuận của Nhân dân trong triển khai thực hiện đề án, sự tích cực của các ngành, đoàn thể và các địa phương, sẽ góp phần giúp việc thực hiện Đề án trên địa bàn huyện đúng mục tiêu và lộ trình đề ra.
MỸ XUYÊN
Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/xa-hoi/de-an-hau-giang-xanh-tao-suc-bat-cho-nong-thon-vi-thuy-135693.html