Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: Lượng nước lũ trên sông Mekong do ảnh hưởng mưa lớn từ bão số 3 (Yagi) đang dịch chuyển xuống khu vực Campuchia làm mực nước lũ tại trạm Kratie tăng mạnh trong những ngày qua và sẽ tiếp tục tăng trong các ngày tới.
Mặt khác, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông hiện nay dự báo sẽ gây mưa ở mức cao trên khu vực hạ Lào và miền đông Thái Lan vào ngày 19 – 20.9. Vì vậy, nguồn nước trên các trạm dòng chính sông Mekong khu vực hạ Lào có xu thế tăng trong các ngày tới. Điều này khiến mực nước khu vực Campuchia tại trạm Kratie sẽ có xu thế tiếp tục tăng khá mạnh trong 5 ngày tới.
Điều này khiến lưu lượng lũ đổ về vùng đầu nguồn sông Cửu Long của Việt Nam tiếp tục tăng. Thêm vào đó, triều cường dự báo đạt đỉnh vào ngày 19.9 và đến ngày 21 – 22.9, lũ thượng nguồn kết hợp triều cường khiến mực nước lũ tại Tân Châu đạt mức cao nhất trong tháng 9 từ 3,1 – 3,2m, thấp hơn báo động 1 khoảng 0,3 m; tại Châu Đốc đạt 2,9 – 3m, xấp xỉ báo động 1. Mực nước sau đó có xu thế biến đổi chậm rồi giảm nhẹ do thủy triều các ngày sau giảm mạnh nhưng lũ thượng nguồn tiếp tục đổ về.
Dù lũ thượng nguồn sông Cửu Long chỉ xấp xỉ báo động 1, nhưng mực nước các trạm vùng giữa phổ biến ở mức từ báo động 2 – 3 tại các địa phương như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; các khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang; các huyện Phước Long, huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu; TX.Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình, TP.Cà Mau tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập.
Thanhnien.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/canh-bao-lu-tren-song-mekong-185240918154418023.htm