Qua ống kính của thầy giáo đam mê nhiếp ảnh Lê Tuấn Anh người xem được biết tới một bức tranh quê Hậu Giang thật yên bình, mộc mạc.
Lê Tuấn Anh (1996), quê tại Hậu Giang, hiện là giáo viên tại Cần Thơ. Bộ ảnh dưới đây là một kỷ niệm đáng nhớ của Tuấn Anh trong những chuyến lang thang sáng tác ảnh về cảnh sắc và nhịp sống con người nơi thôn quê Hậu Giang.
Trong lần về xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh, Tuấn Anh ghi lại không khí quây quần ấm áp của một gia đình khi ăn bánh nướng trước hiên nhà dịp Tết nguyên đán. Bức ảnh “Hơi ấm mùa xuân”, đạt giải khuyến khích tại cuộc thi ảnh tỉnh Hậu Giang 2019 và được chọn triển lãm tại cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2019.
Cảnh trẻ em đi học ngang qua cánh đồng lúa chín vàng tại Hỏa Lựu.
“Khoảnh khắc giản đơn, đời thường là chủ đề tôi đam mê, cũng là một phần trong ký ức tuổi thơ và muốn chia sẻ khung cảnh bình dị này đến mọi người”, tác giả chia sẻ.
Người phụ nữ khi hái bông điên điển mùa lũ về. Vào mùa nước nổi, tháng 9-10, những cây điên điển mọc ven bờ sông rạch trĩu nặng hoa vàng, tô điểm vùng quê thật đẹp. Bông điên điển làm dưa chua, chấm với thịt kho hoặc nhúng lẩu cá linh, ăn rất ngon cơm và mang hương vị đậm đà khó quên.
Cất vó mùa nước nổi tại Hỏa Lựu. Lũ về mang theo phù sa, sản vật cá tôm cũng là lúc người dân cất vó. Đây là một tấm lưới rộng được thắt chặt vào các thanh tre già chéo nhau, để khi nước chảy lưới bung ra tạo thành một khoảng rộng để cá tép, tôm cua vào. Một giàn vó như vậy dùng được vài mùa nước và người dân cũng dễ đầu tư.
“Vào những buổi chiều mát mẻ, gia đình và bạn hữu được ngồi xúm lại lai rai vài ly rượu và thưởng thức các món ngon từ cá chạch, tép bạc sau khi cất vó thì không còn gì thú vị cho bằng”, Tuấn Anh chia sẻ.
Những bao lúa chất đầy sau mùa gặt vụ đông xuân tại xã Hỏa Lựu.
Cảnh chăn vịt chạy đồng, chụp tại xã Tân Tiến, TP Vị Thanh. Nghề nuôi vịt chạy đồng, lấy trứng phổ biến ở nhiều vùng quê, giúp các hộ dân tiết kiệm đáng kể chi phí mua thức ăn, từ đó tăng thêm lợi nhuận.
Sản vật cá đồng như cá lóc, cá rô và cá sặc được bán tại chợ Vị Thanh, phường 3, TP Vị Thanh. Người địa phương gọi đây là chợ “chồm hổm”, chợ nông sản hay chợ “đồng”, mang nét rất riêng của Vị Thanh, Hậu Giang. Chợ hoạt động từ hừng sáng, đông đúc nhất là 6-7h, người bán ngồi sát đất, được kê một cái ghế nhỏ hoặc ngồi “chồm hổm” trên mặt đất.
Cảnh sinh hoạt làm cá, rửa rau ngay phía sau những ngôi nhà nằm giáp mé sông rất đặc trưng ở vùng quê miền sông nước. Ảnh được Tuấn Anh chụp tại con sông chảy qua địa phận phường 4, TP Vị Thanh.
Ngoài trải nghiệm ngắm cảnh đẹp, khám phá nhịp sống trên kênh rạch và thưởng thức các món ngon vùng nông thôn, du khách không thể bỏ qua dịp giao lưu sinh hoạt đờn ca tài tử. Người dân địa phương tập hợp thành nhóm đơn giản để ca hát thỏa thích, thỏa lòng đam mê, quan trọng là giao lưu, chia sẻ nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuấn Anh còn thích chụp mảng ảnh làng nghề, khắc họa cuộc sống chân thật của người dân, như nghề hầm than tại xã Tân Thành, TP Ngã Bảy. Nghề truyền thống này có cách đây 30-40 năm, do các thế hệ trước để lại. Công việc trải qua nhiều công đoạn để sản xuất được mẻ than như mua củi, đem củi vào lò, chụm lò và xuất than. Công việc nặng nhọc, lấm lem quần áo nhưng bù lại người dân có nguồn thu nhập ổn định.
“Hương đồng gió nội với mùa hoa lục bình tím biếc mang đến cảm giác thật yên bình”, Tuấn Anh chia sẻ khi chụp cảnh thả lưới trên sông tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy.
Một trong những hình ảnh ấn tượng mà Tuấn Anh từng chụp lại là cảnh cô lái đò chở các em nhỏ qua bờ sông để vui chơi lồng đèn Tết Trung Thu năm 2019, tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.
“Hương quê Hậu Giang là bộ ảnh gắn liền với kỷ niệm, cũng là ảnh tư liệu để tôi có dịp giới thiệu thêm với học trò về cuộc sống người dân nơi thôn quê, ấm áp, chịu khó, giàu nghĩa tình. Sau những giờ lên lớp, có thời gian là xác máy ảnh tiếp tục lang thang tác nghiệp, nhưng hiện Covid-19 diễn biến phức tạp nên tạm ngưng đi đây đó. Ở nhà soạn ảnh và xem lại ảnh chụp trong thời gian qua cũng giúp tôi đỡ nhớ niềm đam mê”, anh Tuấn Anh nói.