Đầu năm đến nay, hội nông dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập nhiều mô hình phát huy vai trò của hội viên, nông dân trong tham gia công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Từ khi có mô hình “Nông dân xung kích chống rác thải nhựa”, người dân tuyến kênh 930B đã ý thức hơn trong xử lý rác thải sinh hoạt.
Cụ thể, đầu năm 2024, Hội Nông dân phường Thuận An, thị xã Long Mỹ ra mắt mô hình đột phá “Nông dân xung kích chống rác thải nhựa” tại khu vực 5, với 9 thành viên là cán bộ chi, tổ hội, hội viên trên địa bàn. Ông Võ Quang Phục, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận An, cho biết: “Mô hình được thực hiện nhằm góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án “Hậu Giang xanh” và phát huy vai trò của nông dân trong việc bảo vệ môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp”.
Cũng theo ông Võ Quang Phục, việc chọn khu vực 5 làm điểm ra mắt mô hình, là do thời gian qua, khu vực này có tuyến kênh 930B thường xuyên xảy ra tình trạng rác thải ứ đọng, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Mô hình “Nông dân xung kích chống rác thải nhựa” ra đời nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong việc xử lý và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường tuyến kênh 930B.
Để thực hiện mô hình, Hội Nông dân phường tổ chức cho hơn 40 hộ trên tuyến dân cư dọc kênh 930B ký bản cam kết bảo vệ môi trường. Các thành viên của mô hình có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân nơi đây kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại và xử lý rác thải; không thực hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhất là việc vứt rác bừa bãi xuống dòng kênh. Định kỳ hàng quý, các thành viên của mô hình còn ra quân dọn dẹp vệ sinh cảnh quan môi trường tuyến đường kênh 930B, vớt lục bình, rác thải trên tuyến kênh này.
Theo ông Nguyễn Văn Tông, Chi hội trưởng Hội Nông dân khu vực 5, Tổ trưởng mô hình “Nông dân xung kích chống rác thải nhựa”, sau hơn 8 tháng hoạt động, các thành viên đã phối hợp với người dân nơi đây, vớt khoảng 1,5 tấn rác thải trên tuyến kênh 930B, giúp khơi thông dòng chảy, giảm mùi hôi thối. Qua tuyên truyền, vận động, nhắc nhở đến nay, ý thức bảo vệ môi trường của người dân có sự chuyển biến tích cực, tình hình ô nhiễm môi trường tuyến kênh này cũng được khắc phục.
Hội Nông dân tỉnh thông tin, đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh xây dựng được 75 mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Tiêu biểu là các mô hình chi hội nông dân nói không với rác thải nhựa; tuyến đường đẹp, dòng sông sạch; rác thải nhựa đổi lấy nhu yếu phẩm; tuyến đường đẹp gắn với việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, bảo đảm an toàn giao thông; kè mé sinh thái; công trình trồng cây xanh…
Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền thông về pháp luật bảo vệ môi trường, tác hại của ô nhiễm môi trường; hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải, thu gom, xử lý vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; nhận và cấp phát các loại tài liệu về môi trường; biên soạn tin, bài đưa vào Bản tin Nông dân Hậu Giang để triển khai cho các chi, tổ hội để làm tài liệu tuyên truyền thường xuyên ra hội viên, nông dân.
Chưa kể, các cấp hội còn phối hợp tổ chức hội thi cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp và phát động các đợt thi đua hưởng ứng công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội, nhóm zalo, facebook, phát động ra quân thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường…
Ông Võ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho rằng, qua việc thành lập các mô hình và công tác tuyên truyền của các cấp hội đã huy động ngày càng đông hội viên, nông dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Ý thức, thói quen ứng xử tốt với môi trường được hình thành và lan tỏa, từ đó chất lượng công tác bảo vệ môi trường dần được nâng lên, nhất là khi tỉnh triển khai Đề án “Hậu Giang xanh”. Điều này, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, hội viên và Nhân dân.
“Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp, triển khai nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp và Đề án “Hậu Giang xanh” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp”, ông Võ Văn Trung cho biết thêm.
MỸ AN
Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/moi-truong/nong-dan-tich-cuc-bao-ve-moi-truong-136293.html