Những năm qua, ngành tư pháp Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói riêng mang đến những tiện ích, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho dân.
Công chức Sở Tư pháp hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Sau 1 tháng phát động, Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2024” đã thu hút trên 9.700 lượt đăng ký với 22.609 lượt dự thi, đây là lần thứ 3 cuộc thi được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Tư pháp, thời gian qua, nhu cầu giao tiếp của người dân với cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị bằng công nghệ thông tin ngày càng tăng. Trong đó, môi trường internet là cầu nối gần nhất nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật là xu hướng tất yếu phải được khai thác kịp thời.
Bắt kịp xu thế chung này, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Theo đó, việc thực hiện đề án hướng đến đa dạng hóa hình thức, khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin, cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin về pháp luật; giúp người dân sử dụng, khai thác một cách thuận lợi, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.
Quá trình triển khai đề án, Sở xây dựng Cổng thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, tích hợp các nội dung cơ bản như tài liệu giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành; đăng tải các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh; hỏi đáp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến. Đồng thời hiện nay, Sở đang quản lý, vận hành, ứng dụng trên 10 phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu công nghệ thông tin như: Phần mềm lý lịch tư pháp, quản lý hộ tịch; phần mềm Quản lý thông tin đấu giá tài sản, Hệ thống quản lý văn bản, phần mềm thống kê… Đối với các sở, ban, ngành, phòng tư pháp cấp huyện cũng đã triển khai thực hiện phổ biến pháp luật qua ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, youtube và các trang thông tin điện tử,…
Đặc biệt, Sở Tư pháp vừa triển khai kế hoạch thực hiện mô hình cải cách hành chính “Ứng dụng nền tảng mạng xã hội “Zalo – Facebook” tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến”. Tháng 5-2024 vừa qua, Sở thành lập trang fanpage “Thủ tục hành chính tư pháp Hậu Giang” trên mạng xã hội facebook, nhằm đăng tải các thông tin, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp các bước để nộp hồ sơ trực tuyến thủ tục hành chính (tạo tài khoản dịch vụ công, đăng nhập và nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tại địa chỉ dichvucong.haugiang.gov.vn); tuyên truyền, lan tỏa những thông tin, cách làm hay của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn…
Ông Nguyễn Quốc Lai, Trưởng phòng Tuyên truyền và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong phổ biến pháp luật đang được các cấp, ngành chú trọng đẩy mạnh. Đối với ngành tư pháp, hiện đơn vị đã đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua một số hình thức mới như tin nhắn điện thoại, tổ chức triển khai luật trực tuyến, tiếp tục duy trì việc tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí… Đồng thời, cung cấp đề cương, tài liệu trực tuyến phục vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh dễ dàng truy cập, tham khảo, sử dụng để tuyên truyền.
Sở Tư pháp dự báo, tới đây, nhu cầu giao tiếp của người dân với cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị bằng công nghệ thông tin ngày càng tăng. Trong đó, việc đẩy mạnh kết nối thông qua môi trường mạng là cầu nối gần nhất, hiệu quả cao, nên cần phải được khai thác kịp thời với nhiều hình thức, nội dung đa dạng hơn nữa.
Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhấn mạnh: Phát huy kết quả đạt được, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng việc đa dạng hình thức. Trong đó, chú trọng việc phổ biến thông qua internet, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, mạng di động, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính tư pháp, để qua đó nâng cao chất lượng công tác tư pháp của tỉnh nhà.
Đ.B
Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/phap-luat/ung-dung-cong-nghe-trong-hoat-dong-tu-phap-134418.html