Du khách có thể thăm chợ “chồm hổm”, nhà thờ có mái đầu đao ở TP Vị Thanh và “Vương quốc trầu lá” hơn nửa thế kỷ ở Vị Thủy.
Tỉnh Hậu Giang nằm ở hạ lưu sông Hậu, tiếp giáp TP Cần Thơ và cách TP HCM 240 km về phía Tây Nam. Từ TP HCM, du khách có thể đến Hậu Giang bằng xe khách hoặc xe gắn máy. Với xe khách, bạn có thể mua vé khởi hành tại bến xe miền Tây, điểm dừng là bến xe Vị Thanh với giá 150.000 đồng/ vé.
Người đi xe gắn máy chạy theo tuyến QL 1A về TP Cần Thơ, sau đó rẽ vào QL 61C để đi thẳng về TP Vị Thanh, dự kiến mất từ 5 đến 7 giờ chạy, tùy theo mật độ giao thông trên đường. Ảnh: Ý Lam
Bắt đầu ngày mới, bạn có thể đến chợ quê Vị Thanh, nằm gần cầu Cái Nhúc, đường Trần Hưng Đạo, phường 1, TP Vị Thanh. Chợ họp từ 2h đến hơn 10h là tan. Ở đây, người bán thường ngồi xổm hoặc kê các ghế nhỏ. Xung quanh bày biện rau củ, hàng hóa trong diện tích từ 2-4 m2/ người, nên nơi đây còn được gọi bằng cái tên dân dã là chợ “chồm hổm”.
Mặt hàng ở chợ đa dạng và đều do chủ hàng tự hái, trồng đem bán cho khách từ đọt choại, rau tập tàng, bông súng, ngó sen đến hành, hẹ, củ sắn, dưa leo, khoai ngọt… với giá cả phải chăng. Ảnh: Trần Thủ An
Bánh dân gian Nam Bộ cũng là món ăn sáng quen thuộc của nhiều người miền Tây, chợ Vị Thanh có đủ món bánh hấp dẫn cho khách chọn như: bánh tằm bì, bánh ú, bánh ít, bánh da lợn, bánh chuối hấp, bánh bò, bánh lá. Khách có thể chọn mua bánh giá từ 3.000 đồng/ cái để nạp năng lượng trước khi tham quan ở các địa điểm tiếp theo. Ảnh: Huỳnh Nhi
Rời chợ Vị Thanh, bạn di chuyển dọc theo đường Trần Hưng Đạo hướng về vòng xoay trung tâm thành phố sẽ gặp tháp đồng hồ Asia. Tháp cao 12 m nổi bật với hình ảnh rồng uốn lượn bao quanh và trên đỉnh là khối hộp đồng hồ 4 mặt hình vuông quay theo 4 hướng. Công trình này được đưa vào sử dụng năm 2009 cho đến nay, được xem là biểu tượng của TP Vị Thanh. Ảnh: Huỳnh Nhi
Dọc đường Trần Hưng Đạo sang đường tỉnh 931B là dòng kênh Xáng Xà No. Con kênh do người Pháp chủ trương đào từ năm 1901 đến năm 1903 thì hoàn thành, giúp thau chua, rửa phèn, mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng hai bờ. Dòng kênh hơn 100 tuổi này cũng là một trong những con đường vận chuyển lúa gạo lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, dài gần 40 km từ ngã ba Vàm Xáng, sông Cần Thơ (một nhánh của sông Hậu) đến sông Cái Tư (một nhánh của sông Cái Lớn), trước khi hòa dòng đổ ra biển Tây Nam ở Kiên Giang. Ảnh: Anh Lam
Gần chân cầu Xà No, du khách tham quan nhà thờ Vị Hưng với hơn 130 năm tuổi nổi bật với màu ngói đỏ xếp chồng lên nhau. Nhà thờ tọa lạc tại khu vực 2, phường 4, TP Vị Thanh. Công trình là sự kết hợp giữa kiến trúc Đông – Tây trên ý tưởng tinh thần hội nhập văn hóa. Trong đó, kiến trúc phương Đông thể hiện qua các mái đầu đao uốn cong trên nóc nhà thờ, vốn dĩ là thiết kế đặc trưng của đình chùa Việt Nam, song mái nhà thờ Vị Hưng không trạm trổ. Ảnh: Huỳnh Nhi.
Nằm gần khu hành chính UBND tỉnh Hậu Giang, Di tích Chiến thắng Chương Thiện, điểm đến lịch sử cho du khách với các hạng mục nhà trưng bày hiện vật, khu trưng bày ngoài trời, cụm tượng đài, sân lễ… Ở đây còn có nhiều tư liệu quý giá về một số trận đánh 75 lượt tiểu đoàn địch vào năm 1973, tạo tiền đề cho sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam, tiến tới Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Ảnh: Huỳnh Nhi
Khi muốn nghỉ chân, cà phê An là sự lựa chọn thích hợp cho những ai thích không gian hoài cổ, quay ngược thời gian. Quán cà phê nằm trên đường Trưng Nhị, phường 1, TP Vị Thanh của ông bà Đặng Thị Nghì (gọi quen là ông bà Tư) có trên 100 món đồ cổ như điện thoại quay số, tivi trắng đen, máy đánh chữ, đèn bão… đều là những vật từ năm 50-60 của thế kỷ trước. Ảnh: Huỳnh Nhi
Kết thúc một ngày ở Hậu Giang, bạn có thể đến chụp ảnh, tham quan Công viên 7 kỳ quan cổ đại tọa lạc tại phường 5, TP Vị Thanh. Nơi đây có một đài phun nước lớn ở giữa, bao quanh là bản mô phỏng các kỳ quan cổ đại như Tượng thần Zeus ở Olympia (Hy Lạp), Đại kim tự tháp Giza (Ai Cập), Tượng thần Mặt trời Rhodes (Hy Lạp)… được làm từ thạch cao và bê tông. Ảnh: Công viên Ánh sáng Kỳ quan Cổ đại The Miracle.
Huỳnh Nhi