Đây là nhận định của tỷ phú nổi tiếng người Anh Guy Hands-một chuyên gia tài chính đồng thời là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư nhân Terra Firma.

Theo Bloomberg, nhà tài phiệt người Anh dự đoán xứ sở sương mù sẽ bị các nước châu Âu khác bỏ xa trong tương lai. Cụ thể, ông Hands dự đoán rằng vào năm 2030, Anh sẽ bị Ba Lan vượt qua về sự giàu có. Ông nói: “Tôi nhìn vào Vương quốc Anh và thấy rằng vào năm 2030, Ba Lan sẽ giàu có hơn chúng ta. Vào năm 2040, chúng ta sẽ là người nghèo ở châu Âu”.

 Người dân Anh trên đường phố London. Ảnh: AP

Dự đoán của ông Hands là hoàn toàn có cơ sở. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, trong giai đoạn 2010-2021, tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Vương quốc Anh là 0,5% và của Ba Lan là 3,6%. Hiện tại, khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương, tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người của Ba Lan là 28.200 bảng so với 35.000 bảng của Vương quốc Anh. Nếu giữ tốc độ tăng trưởng hiện tại, Ba Lan sẽ vượt qua Vương quốc Anh vào năm 2030. Đến năm 2040, cả Hungary và Romania cũng sẽ vượt xứ sở sương mù.

Tính đến nay, nước Anh đã rời EU được hơn 3 năm. Với những người trong cuộc, có lẽ quãng thời gian này trôi đi một cách khá vất vả, bởi nước Anh đã vấp phải một loạt vấn đề vừa là khách quan, vừa là hệ quả từ công cuộc Brexit. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những khó khăn kinh tế đẩy lùi những hy vọng và hứa hẹn về triển vọng kinh tế tốt đẹp nhờ Brexit. Hậu quả của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine lại càng chồng chất thêm thách thức cho nước Anh.

Phó giáo sư Thomas Sampson-Đại học Kinh tế London, Anh nhận định: “Rời EU chắc chắn đã kéo kinh tế Anh phát triển chậm lại, các rào cản thương mại mới đã khiến nhiều công ty Anh khó làm ăn với EU hơn. Về tổng thể, hậu quả là nền kinh tế Anh đang tăng trưởng chậm hơn, nước Anh trở nên nghèo hơn vì Brexit”.

Theo The Economist, kể từ khi Anh rời EU, các doanh nghiệp nước này không ít lần than thở mệt mỏi và thất vọng trước những quy tắc mới hậu Brexit. Họ phải đối mặt với thuế cao hơn và thủ tục hành chính phức tạp. Các doanh nghiệp với quy mô nhỏ được cho là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất do khó thích nghi với các quy tắc hải quan và xuất khẩu áp dụng khi giao dịch với EU thời hậu Brexit.

Việc khôi phục chính sách kiểm soát hải quan mà Brexit yêu cầu đã cản trở quan hệ giữa Anh với thị trường cửa ngõ EU, khiến nước này hụt mất 15% giá trị thương mại. Việc làm này cũng khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và hoạt động đầu tư giảm tốc, thị trường lao động xuất hiện những xáo trộn lớn.

Tỷ phú Guy Hands cho rằng, Vương quốc Anh lẽ ra không nên rời EU. Về cơ bản, Brexit đã đẩy đất nước lùi lại 50 năm, về những năm của thập niên 1970, giai đoạn được nhiều người nhớ đến như thời kỳ khủng hoảng, với lạm phát tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp cao, làn sóng đình công rộng khắp và tình trạng cắt điện thường xuyên.

Theo lý giải của vị tỷ phú người Anh, luật pháp hiện hành của Anh không phù hợp với môi trường mới hậu Brexit. Những biến động chính trị xảy ra ở Anh trong 7 năm qua đã khiến các nhà đầu tư lo ngại và công chúng thiếu niềm tin. Tuy nhiên, ông cho rằng, giờ đây Chính phủ Anh có thể tận dụng cơ hội Brexit để đưa ra các cải cách triệt để, đặc biệt là đối với luật lao động cực kỳ phức tạp của nước này. Ông nhận định luật này không khác gì một “cơn ác mộng” so với các nước châu Âu khác.

 “Hiện tại, Anh chỉ có hai lựa chọn nếu muốn cạnh tranh trên trường quốc tế. Hoặc họ phá bỏ phần lớn những gì mà các đảng chính trị đã dành 30 năm để xây dựng, hoặc quay trở lại với ngôi nhà chung châu Âu”, chuyên gia Hands bình luận.

Nhưng rõ ràng, việc quay lại EU không nằm trong dự định của các chính trị gia Anh. Điều họ hướng tới là một mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với EU, qua đó phần nào giảm bớt những khó khăn do tác động của Brexit. Việc Anh và EU ký thực thi Khung thỏa thuận Windsor hồi tháng 3 vừa qua chính là minh chứng cho điều này, đồng thời cũng cho thấy nước Anh đang hành động mạnh mẽ hơn để hướng tới tương lai, thay vì chìm đắm trong Bregret (hối tiếc về việc đã đoạn tuyệt với EU).

GIA HUY