Mục tiêu tổng quát của Đề án Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2030 là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.
Sáng 21/11, Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo xây dựng Đề án Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2030. |
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia hội thảo.
Nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã chủ động lồng ghép các chính sách, chương trình để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đến nay, đã có trên 1.896,96 ha cây trồng các loại được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 3 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản được chứng nhận VietGAP; 8 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 14 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 11 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP, ISO; 4 cơ sở chế biến giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO và 22 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận…
Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chủ trì, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2030. Đề án nêu rõ tính cần thiết, các căn cứ, chủ trương để xây dựng đề án; khái quát về tình hình, đặc điểm và thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Đề án cũng xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện và hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường,
Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp. Nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ của tỉnh. Phát triển sản xuất và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho các loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Tại hội thảo, ý kiến các đại biểu cho rằng việc xây dựng đề án là cần thiết, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
Góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án, các đại biểu nhận định những khó khăn trong sản xuất hữu cơ và đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề như: thay đổi tư duy canh tác; lựa chọn, cải tạo các vùng sản xuất hữu cơ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; lưa chọn giống, vật tư. Đặc biệt là tạo dựng thương hiệu, gây dựng niềm tin với người tiêu dùng; thị trường đầu ra khi giá thành sản phẩm hữu cơ sẽ cao hơn; kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm khó khăn…
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt: Thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ phải theo lộ trình; lựa chọn đối tượng, phạm vi phải là sản phẩm đặc sản đặc hữu, có lợi thế của địa phương. Sản xuất nông nghiệp phải gắn với doanh nghiệp, thực hiện theo chuỗi liên kết để đáp ứng thị trường đầu ra cho sản phẩm. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thọ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh, phần lớn các mô hình sản xuất sản phẩm sạch, theo hướng hữu cơ còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa xây dựng được chuỗi sản xuất – cung ứng thực phẩm an toàn bền vững, sản phẩm chưa được chứng nhận đạt chất lượng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Quang Thọ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại hội thảo.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng thông tin thêm một số nét về thực trạng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; những nội dung cơ bản của đề án. Trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành, địa phương,doanh nghiệp, tổ soạn thảo đề án sẽ tiếp thu, tục bổ sung, hoàn thiện đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ngọc Loan