BHXH tự nguyện là hình thức bảo hiểm dành cho lao động tự do để hưởng một số quyền lợi như chế độ hưu trí và tử tuất. Tham gia BHXH tự nguyện, người lao động còn được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Ưu việt là vậy nhưng trên thực tế, BHXH tự nguyện vẫn chưa thu hút được nhiều người tham gia.
Theo số liệu của BHXH Hà Tĩnh, đến hết tháng 3/2024, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn toàn tỉnh là gần 59 ngàn người, trên tổng số hơn 695 ngàn lao động tự do, chiếm tỷ lệ 8,5%. So với cuối năm 2023, toàn tỉnh chỉ phát triển được thêm 60 người tham gia BHXH tự nguyện.
Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tự nguyện thấp do nhiều nguyên nhân
Thực tế cho thấy việc nâng tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đã khó, việc giữ chân những người ở lại hệ thống còn khó hơn nhiều. Mới đây, chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh đã quyết định dừng đóng BHXH tự nguyện sau gần 2 năm tham gia. Theo chị, ngoài thu nhập không ổn định để đóng nộp thì thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được nhận lương hưu là quá dài.
Việc người dân chưa mặn mà với BHXH tự nguyện còn có nguyên nhân xuất phát từ những khác biệt lớn về lợi ích được thụ hưởng so với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu như tham gia BHXH bắt buộc, người lao động được thụ hưởng 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thì tham gia BHXH tự nguyện, người lao động chỉ được thụ hưởng 2 chế độ: Hưu trí và tử tuất.
Để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ngành BHXH đã mở nhiều dịch vụ thu tại các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên phần lớn đều là cán bộ kiêm nhiệm nên thời gian, kiến thức tuyên truyền, vận động người dân về chính sách BHXH tự nguyện còn hạn chế, chưa sâu rộng.
Hiện nay diện bao phủ BHXH tự nguyện vẫn còn thấp, người lao động vẫn còn thờ ơ, chưa mấy mặn mà. Do đó để gia tăng đối tượng tham gia và phát triển một cách bền vững cần có những sự thay đổi, thích ứng phù hợp theo nhu cầu của người dân cũng như tuân thủ các quy luật của thị trường.
Bách Hợp, Hà Phương/HTTV