Với trẻ thơ, rằm Trung thu là ký ức không bao giờ quên. Đó là rằm mà trăng sáng nhất trong năm: tròn vành vạnh, sáng trong trẻo và gió mát, trời cao xanh, vườn chín quả.
Tết “trông trăng” không chỉ dành cho con trẻ mà còn là niềm vui của mọi người, mọi nhà. Trong ảnh: Các em thiếu nhi bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) phá cỗ trăng rằm.
Rằm Trung thu năm nay vừa mới qua kỳ nghỉ tết Độc lập với bao lễ hội truyền thống náo nức trên các con sông quê, trong các làng quê cùng bao sắc màu cờ hoa thắm đỏ. Lại vừa mới qua rằm tháng Bảy lễ Vu Lan báo hiếu mẹ cha, như nốt trầm sâu thẳm trong bao cung bậc của đời sống thường nhật. Bước sang rằm Trung thu lại là nốt bổng hân hoan, hướng về con trẻ, hướng về những ước vọng trăng rằm – một sự tròn đầy hoàn hảo, một tình yêu thương tràn ngập. Đó là cái tết “trông trăng” không chỉ dành cho con trẻ mà còn là niềm vui của mọi người, mọi nhà.
Bác Hồ là người rất yêu các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong 16 lần Bác viết thư cho thiếu nhi thì có hơn một nửa là viết trong dịp tết Trung thu. Trung thu năm 1946, trong tình cảnh vận nước gian nan, Bác Hồ gửi niềm mong ước vào thơ cho các cháu: “Bác mong các cháu “cho ngoan”/ Mãi sau gìn giữ giang san Lạc – Hồng/ Sao cho nổi tiếng Tiên – Rồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”. Trung thu 1951, từ chiến khu Việt Bắc, trong cánh rừng sâu tỏa bóng ánh trăng thu, Bác Hồ luôn thao thức nhớ nhung các cháu.
Bác viết: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Trong kháng chiến chống Mỹ, nước nhà bị chia cắt, Bác luôn nghĩ đến thiếu nhi miền Nam. Tết Trung thu 1956, Bác đã gửi thư cho thiếu nhi miền Nam bày tỏ niềm thương nhớ và mong đợi ngày nước nhà sum họp hai miền: “Bắc – Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Ước vọng Trung thu vẫn luôn thiết tha, chân thành, luôn được nâng niu, trân trọng với bao mong mỏi hạnh phúc cho lớp con cháu. (Ảnh Internet).
Ký ức trung thu không chỉ ở lứa tuổi thơ mà cả trong hoài niệm của người lớn. Ai cũng qua thời niên thiếu mà ở đó mỗi rằm Trung thu đánh dấu thêm một sự trưởng thành, một bước tiến. Sau này thành anh thành chị, thành cha thành mẹ, thành ông thành bà thì ước vọng Trung thu vẫn luôn thiết tha, chân thành, luôn được nâng niu, trân trọng với bao mong mỏi hạnh phúc cho lớp con cháu.
Rằm Trung thu cũng là thời điểm nông nhàn, mọi người có thể thảnh thơi để hòa mình với thiên nhiên, với đất trời đang vào giữa thu. Cả năm làm mùa vất vả, đến Trung thu, người lớn dành tình yêu cho con trẻ bằng các loại bánh từ sản vật nông nghiệp. Tất cả nguyên liệu là những tinh hoa do bàn tay con người chắt chiu, chắt lọc còn chứa chan cả tinh hoa hương liệu đất trời. Đó là sự tạo hình khuôn bánh vuông, tròn đến hương vị đậm đà từ sắc màu vàng nâu (bánh nướng) đến màu trắng mịn (bánh dẻo)…
Cây cối trong vườn nhà cũng dành cho Trung thu một sự tròn đầy chín mọng. Đó là quả bưởi căng mọng nước như trăng rằm; quả hồng đỏ như màu hy vọng của tương lai; quả na mở mắt như sự nảy nở thật hồn nhiên, náo nức; nải chuối chín vàng thơm xòe ra như một bàn tay đầy đặn sum vầy khao khát bình yên. Mâm quả phá cỗ Trung thu chính là trái nhân, trái nghĩa của sự vun xới đắp đầy của ông bà, cha mẹ, của linh khí đất trời, của phù sa nhân hậu qua bao thời gian đã gạn đục, khơi trong để tỏa hương, tụ quả.
Đèn kéo quân ẩn chứa bao bí mật bất ngờ cho con trẻ. (Ảnh Internet).
Ước vọng Trung thu còn được gửi gắm vào các đồ chơi. Đèn kéo quân trong mắt con trẻ là cả một sự kiến tạo tỉ mỉ và kỳ vĩ ẩn chứa bao bí mật bất ngờ, là bài học chuyển động quang học vật lý hấp dẫn. Đèn kéo quân đuổi bắt thể hiện vẻ đẹp thượng võ ngàn đời của cha ông. Có đèn gắn ông trạng vinh quy bái tổ thể hiện truyền thống hiếu học. Nhịp trống Trung thu trẻ trung, tươi mới như nhịp điệu ruộng đồng, mùa tiếp mùa, nắng tiếp nắng, mưa tiếp mưa… cuốn đi những ngày vất vả để gieo, gặt cho những mùa gạo mới cơm thơm, cho tuổi thơ lớn lên trong hương đồng, hương ruộng, hương lúa, hương cau…
Ước vọng trăng rằm Trung thu với bao ký ức, bao xốn xang, bao náo nức như nhịp bài hát rộn ràng “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu/ Cán đây rất dài cán cao qua đầu/ Em cầm đèn sao em hát vang vang/ Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan”…
Nguyễn Ngọc Phú