Diện tích lúa chín tăng nhanh, bà con nông dân các địa phương của Hà Tĩnh đang tăng tốc thu hoạch vụ hè thu. Khắp cánh đồng, tiếng máy gặt rì rầm hoà cùng tiếng cười nói của người dân trong niềm vui được mùa, được giá.
Tính đến sáng 6/9/2023, huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành thu hoạch 6.000/9.100 ha lúa hè thu.
Là địa phương có diện tích gieo cấy vụ hè thu 2023 lớn nhất tỉnh với 9.100 ha, huyện Cẩm Xuyên đangphấn đấu hoàn thành thu hoạch 100% diện tích trước ngày 10/9/2023. Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm nay, nhiều địa phương của Hà Tĩnh ghi nhận hạn hán tác động đến cây trồng, tuy vậy, với huyện Cẩm Xuyên, nhờ chủ động điều tiết nguồn nước nên hầu hết diện tích lúa đảm bảo nguồn tưới, không ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đến nay, có thể khẳng định vụ hè thu của Cẩm Xuyên đã đạt thắng lợi khi năng suất lúa được ngành chuyên môn ước đạt cao nhất tỉnh (54,38 tạ/ha)”.
Tính đến sáng 6/9, Cẩm Xuyên đã hoàn thành thu hoạch 6.000 ha lúa hè thu. Để “ăn chắc”, UBND huyện đã giao các địa phương rà soát số lượng máy gặt đập trên địa bàn để điều phối hợp lý giữa các địa phương nhằm tăng tốc nhanh nhất tiến độ thu hoạch. Cùng đó, huyện cũng giao lực lượng công an bám sát địa bàn, hạn chế tình trạng bảo kê máy gặt, tăng giá dịch vụ… để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa tại xã Thạch Trị (Thạch Hà) vào chiều 5/9/2023.
Những năm gần đây, Hà Tĩnh đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phá bờ vùng bờ thửa, tập trung sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn đồng nhất về giống, khoa học kỹ thuật… nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Quá trình này cũng tạo động lực để các tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Liệu – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (Thạch Hà) phấn khởi: “Vụ hè thu 2020, HTX là đơn vị đầu tiên trên toàn tỉnh thực hiện thuê 27,9 ha đất sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, diện tích tích tụ đạt 53 ha, liên kết sản xuất với 43 hộ dân trên địa bàn với năng suất dự kiến khoảng 3 ha/sào. HTX đang tranh thủ tối đa những ngày thời tiết thuận lợi, theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, lúa chín đến đâu tổ chức thu hoạch đến đó. Đồng thời, chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân tiêu thụ lúa cho người dân. Được mùa, lúa bán tại chân ruộng lại được giá nên nông dân càng phấn khởi, yên tâm bám đồng bám ruộng”.
Bà con nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn đang cố gắng thu hoạch gọn diện tích lúa hè thu đã chín.
Vụ hè thu năm nay, huyện Thạch Hà gieo cấy 7.495 ha. Với việc thực hiện triệt để các quy trình sản xuất cùng thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu năm nay được đánh giá là một năm được mùa. Huyện tiếp tục sử dụng nhóm giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày, các giống đã thích ứng diện rộng và ổn định trong sản xuất qua các năm gần đây như: Khang Dân 18, BT 09, HT 1, Nếp 98… Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch được 2.807 ha, đạt gần 38% tổng diện tích.
Cùng với Cẩm Xuyên, Thạch Hà, hiện nay, nông dân Đức Thọ cũng đang gấp rút “chạy đua” với thời gian, phấn đấu đưa lúa về nhà càng sớm càng tốt. Ông Nguyễn Xuân Linh – Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân (Đức Thọ) chia sẻ: “Vụ hè thu này, toàn xã sản xuất 527 ha lúa với cơ cấu các loại giống ngắn ngày như: Nếp 98, BT09… Là vùng ngoài đê, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, mưa lũ nên bà con nông dân rất chủ động trong khâu sản xuất cũng như thu hoạch. Lúa chín đến đâu, thu hoạch ngay đến đó, ngoài gặt máy, người dân còn huy động nhân lực gặt tay để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, xã Bùi La Nhân đã hoàn thành thu hoạch 95% diện tích và phấn đấu 3 – 5 ngày nữa sẽ kết thúc vụ hè thu. Nông dân phấn khởi khi năng suất đạt khá cao (44 tạ/ha) và giá lúa thời điểm này cũng khá tốt”.
Không khí thu hoạch ở xã Bùi La Nhân (Đức Thọ) cũng rộn ràng, gấp gáp.
Theo ông Phan Văn Huân – Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh), vụ hè thu 2023, toàn tỉnh gieo cấy 44.568/44.891 ha lúa, đạt 99,3% kế hoạch. Về cơ cấu giống, các địa phương chủ yếu gieo cấy giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày. Trong đó, nhóm giống thích ứng diện rộng và ổn định (Hương Thơm 1, Thiên ưu 8, Xuân Mai, Nếp 98…) chiếm 79,5% diện tích; nhóm giống triển vọng (Hà Phát 3, ND502, HD11…) chiếm 10,9% diện tích. Năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt 50,28 tạ/ha (tương đương với vụ hè thu năm 2022), sản lượng ước đạt 224.093 tấn.
Tính đến sáng 6/9, toàn tỉnh thu hoạch 20.200/44.568 ha lúa hè thu (đạt 45,3% diện tích). Theo khảo sát tại các địa bàn, giá bán lúa tươi tại chân ruộng dao động từ 5.900 – 6.200 đồng/kg tùy giống. Sở NN&PTNT tiếp tục cử cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn, chỉ đạo thu hoạch cây trồng nhanh gọn, hạn chế thấp nhất do mưa lũ gây ra.
Bà con nông dân huyện Can Lộc tranh thủ trau phơi lúa trước khi mưa đến.
Trước dự báo thời tiết có nhiều diễn biến thất thường, ngày 31/8 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND về việc tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu năm 2023. Trong chuyến kiểm tra đồng ruộng ngày 5/9 vừa đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương thành lập các đoàn công tác chỉ đạo cơ sở huy động tối đa nhân lực (đoàn thanh niên, dân quân, phụ nữ…), máy móc để giúp Nhân dân thu hoạch; theo dõi, ngăn chặn kịp thời tình trạng tranh giành, cạnh tranh máy gặt không lành mạnh. Cùng đó, soát xét, nâng cấp các cơ sở sấy trên địa bàn sẵn sàng các điều kiện để sấy lúa cho người dân trong điều kiện mưa lũ xảy ra nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch; chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân tiêu thụ lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác cho người dân…
Thu Phương