Trước thềm hội nghị đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh, tuổi trẻ Hà Tĩnh gửi gắm nhiều kỳ vọng, mong muốn những đề xuất, kiến nghị sẽ có định hướng, giải pháp cụ thể, vì sự phát triển toàn diện của thanh niên và mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước.
Anh Bùi Quang Thìn – Bí thư Chi đoàn Sở TT&TT: Tiếp tục nâng cao năng lực số cho thanh niên
Với sức trẻ, sự nhiệt huyết, tiên phong và khả năng thích ứng nhanh, thanh niên là những người có khả năng tiếp cận với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực. Thời gian qua, thanh niên Hà Tĩnh đã tích cực phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, góp phần xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, hội nhập và phát triển.
Trong phong trào chung đó, Đoàn Thanh niên Sở TT&TT và bản thân tôi thường xuyên tập huấn, cung cấp kiến thức cơ bản về chuyển đổi số; an toàn thông tin trong thời đại số; phòng chống lừa đảo và phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng… cho ĐVTN và bà con nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để phát huy hơn nữa tính tiên phong của thanh niên trong triển khai các hoạt động chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức. Nguyên nhân do cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa tương đồng, nhiều hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa được nâng cấp thường xuyên; một số địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thể phủ sóng hết được mạng internet tốc độ cao, dẫn tới việc tiếp cận với công nghệ thông tin, chuyển đổi số của một bộ phận người dân và ĐVTN vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, việc tuyển dụng nguồn nhân lực nói chung và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Mong rằng, tỉnh sẽ có chủ trương, giải pháp để nâng cao năng lực số cho thanh niên, hỗ trợ thanh thiếu niên trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; tiếp tục có cơ chế, giải pháp đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nhân lực trẻ trong tương lai.
Chị Hồ Hồng Hoa – Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội huyện Nghi Xuân: Quan tâm đúng mức tới đội ngũ cán bộ đoàn, đội ở cơ sở
Gắn bó với phong trào thanh thiếu nhi, bản thân tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ Đoàn, hội, đội từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác Đoàn cũng có những đặc thù riêng, cần có những tiêu chuẩn và yêu cầu phù hợp nhất định. Cụ thể như khả năng thanh vận, tinh thần nhiệt huyết, tiên phong, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hy sinh cống hiến… Đội ngũ cán bộ Đoàn cũng thường xuyên biến động do quy định giới hạn độ tuổi công tác, dẫn tới các cơ quan Đoàn chuyên trách các cấp thiếu hụt nhiều cán bộ.
Bên cạnh đó, đối với đội ngũ giáo viên làm tổng phụ trách đội tại các trường học cũng đang gặp nhiều khó khăn. Số giáo viên làm tổng phụ trách đội cơ bản hoạt động lâu năm, nhiều người làm tổng phụ trách đội đã quá thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng rất khó để bố trí trưởng thành làm công tác quản lý, một số giáo viên đã quá tuổi hoặc vì lý do sức khỏe không thể đảm đương được các nhiệm vụ công tác.
Từ thực tiễn đó, bản thân tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành sẽ có giải pháp để thu hút, cơ chế tuyển dụng phù hợp, lựa chọn được những cán bộ làm công tác Đoàn đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, có định hướng giải quyết, bố trí nguồn nhân sự phù hợp, đảm bảo về độ tuổi, chuyên môn để bố trí giáo viên làm tổng phụ trách đội tại các trường học, thúc đẩy công tác Đoàn, đội và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh nhà ngày càng đi lên.
Anh Nguyễn Thành Luân – Chủ mô hình kinh tế thanh niên sản xuất Đông trùng hạ thảo (huyện Hương Sơn): Cần có giải pháp kích cầu và định hướng, hỗ trợ thanh niên ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số trong sản xuất
Là một thanh niên đã và đang khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, tôi có một số mong muốn, kiến nghị gửi tới các cấp chính quyền, ban, ngành cấp tỉnh. Đầu tiên là khó khăn về nguồn vốn, đây là vấn đề quan trọng nhất đối với thanh niên khởi nghiệp. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp của thanh niên khó khăn với nhiều trở ngại. Cần có các giải pháp để đáp ứng nhu cầu về vốn cho thanh niên khởi nghiệp, cần thiết có sự đa dạng nguồn vốn và dễ tiếp cận với đối tượng thanh niên.
Vấn đề tiếp theo tôi muốn đề cập tới là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, nhiều mô hình kinh tế thanh niên đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao nhưng thực tế đa phần là các mặt hàng nông sản, nông nghiệp, việc tiêu thụ đầu ra khó và chủ yếu bán qua kênh bán hàng thông thường, chưa thể vươn xa. Vì vậy, tôi mong muốn UBND tỉnh, các ban, ngành có giải pháp kích cầu và định hướng hỗ trợ thanh niên ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất cũng như quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm mô hình kinh tế thanh niên.
Phúc Sơn – Giang Thanh