Từ Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2000 – 2005) về “Tập trung xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới”, Hà Tĩnh đã tạo nên những bước đột phá mới, vẽ nên bức tranh tươi sáng trên mảnh đất Hồng Lam.
Từ nghị quyết thoát nghèo…
Cách đây 22 năm, nông thôn Hà Tĩnh thuộc diện nghèo nhất của cả nước, đời sống nông dân gặp muôn vàn khó khăn, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn rất yếu kém. Theo số liệu điều tra năm 2001, Hà Tĩnh có 84 xã nghèo, trong đó 25 xã thuộc Chương trình 135; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 78,65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 20,8% trong đó đào tạo nghề là 11,4%. Thời điểm này, toàn tỉnh còn trên 86.000 hộ nghèo (chiếm 28,8%), 50.000 học sinh cần được hỗ trợ về giáo dục và khoảng 400.000 người cần được hỗ trợ về y tế…
Sản xuất nông nghiệp lạc hậu, ruộng đất manh mún nhỏ lẻ. Thu nhập bình quân đầu người chỉ 740.000 đồng/năm. Toàn tỉnh có 50.000 hộ ở nhà tranh tre dột nát, tạm bợ, 50% hộ không có nhà tắm và nhà vệ sinh đạt chuẩn, nhiều vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng; hệ thống đường giao thông xuống cấp, lầy lội, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa không đáng kể…
Đồng chí Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho 24 hộ dân làng vạn chài Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, Đức Thọ).
Phát huy bài học “đứng đầu dậy trước” của quê hương Xô Viết anh hùng, trong bối cảnh muôn vàn khó khăn của một tỉnh nghèo, ngày 12/6/2001, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về “Tập trung xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới” (Nghị quyết 02). Nghị quyết ra đời, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống, thổi bùng “ngọn lửa” thi đua theo lời Bác dạy: Lấy sức dân để lo cho dân!
Chỉ trong 4 năm (2001-2005), toàn tỉnh đã huy động tổng lực xóa trên 4 vạn nhà tranh tre dột nát, làm nên “câu chuyện cổ tích giữa đời thường”. Huyện Can Lộc là địa phương dẫn đầu các phong trào. 30/30 xã hoàn thành Chương trình ngói hóa nhà ở cho Nhân dân trước năm 2005, đây cũng là huyện điển hình về thực hiện Chương trình MTQG nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn với 100% hộ gia đình khép kín 3 công trình nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước sạch.
Trang trại cây ăn quả hữu cơ của HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Thường Nga).
Không chỉ Can Lộc, phong trào xóa đói giảm nghèo nhanh chóng lan tỏa, đẩy mạnh thông qua nhiều chương trình như: hỗ trợ tín dụng, giống cây con, tập huấn cách làm ăn giúp nhiều hộ thoát nghèo. Nhiều xã bắt tay làm đường bê tông thôn xóm; nhiều huyện, thị xã triển khai cuộc vận động dồn điền đổi thửa, giao đất giao rừng, phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, chăn nuôi… tạo nên sinh khí mới, cách làm ăn mới ở làng quê. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ở thời điểm 2005 còn 12 %. Diện mạo nông thông mới dần xuất hiện với những điển hình nổi bật như Thiên Lộc (Can Lộc), Tùng Ảnh (Đức Thọ), Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)…
Ông Đặng Duy Báu – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, người đặt bút ký Nghị quyết 02, “tư lệnh” chỉ đạo triển khai nghị quyết bồi hồi nhớ lại: “Thành công của Nghị quyết 02 rút ra được 3 bài học lớn đó là “Tư duy sáng tạo – chỉ đạo quyết liệt và khơi dậy sức dân”. Những bài học sâu sắc, ngắn gọn ấy, nay càng lan tỏa những giá trị lý luận và thực tiễn, cụ thể và sinh động nhằm không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực sự vì dân trong từng chặng đường xây dựng quê hương”.
…Đến kỳ tích trong hành trình xây dựng nông thôn mới
Từ Nghị quyết 02 và được tiếp nối bằng Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự đi vào cuộc sống, trở thành cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn và phong trào thi đua yêu nước của mọi người dân trên địa bàn tỉnh.
Bức tranh nông thôn mới ở Nghi Xuân đang thay đổi từng ngày
Về Hà Tĩnh hôm nay, sắc diện nông thôn tươi mới, ấm no, hạnh phúc hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi gương mặt. Ở các vùng nông thôn, nhà ở được ngói hóa, kiên cố hóa; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa đến tận ngõ nhà dân; hệ thống hạ tầng điện – đường – trường – trạm – thủy lợi – nhà văn hóa thôn khang trang, hiện đại.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 3,79% (giảm gần 10 lần so với năm 2001); thu nhập bình quân đầu người đạt 46,3 triệu đồng/năm. Số hộ giàu, khá giả tăng nhanh. Nhiều nơi nhà ngói mới, nhà cao tầng mọc lên san sát; đêm đêm bừng ánh điện toát lên vẻ hiện đại của “phố ở trong làng”.
Không chỉ cơ sở hạ tầng, đồng ruộng cũng từng bước chuyển mình. Năm 2023, tổng diện tích phá bờ thửa nhỏ, thành thửa lớn đạt trên 10.669,63 ha, trong đó có trên 4.185,09 ha tập trung theo hình thức chuyển đổi ruộng đất. Các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà đang hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao; huyện Nghi Xuân đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình phát triển văn hóa gắn với du lịch của cả nước. 3 huyện còn lại là Hương Khê, Kỳ Anh, Lộc Hà đang chạy nước rút, dồn toàn lực về đích cùng toàn tỉnh trong năm 2024.
Nghị quyết số 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo đang tạo ra bước ngoặt mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Điều đáng trân trọng là, không chạy theo thành tích, hình thức bề ngoài trong thực hiện các tiêu chí, phong trào, xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã đưa đời sống kinh tế nông thôn thực sự chuyển đổi theo hướng hiện đại. Bao trùm là công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đa giá trị, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nôn nghiệp phát triển ngày càng bền vững, kinh tế xanh gắn với du lịch sinh thái. Sản phẩm nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh đạt chuẩn OCOP, tham gia vào chuỗi giá trị, xác lập thương hiệu trên thị trường trong tỉnh và cả nước.
Bài học lớn sau chặng đường hơn 20 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh, trước hết là ở sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở; từ cách làm cụ thể, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; của phương châm xã hội hóa sâu rộng, linh hoạt gắn với hệ thống chính sách và nguồn lực đầu tư hiệu quả; là từ thành công của công tác dân vận, tuyên truyền, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân. Tất cả những điều đó đã hội tụ thành sức mạnh vô cùng to lớn, kết tinh “ý Đảng với lòng dân”, chính là nguồn cội của mọi thành tựu phát triển nông thôn mới ở Hà Tĩnh những ngày qua.
Nước mắm Luận Nghiệp là một trong những sản phẩm OCOP đầu tiên của Hà Tĩnh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Với mục tiêu Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thí điểm tỉnh NTM trong năm 2024, thực tiễn đặt ra nhiều thử thách và yêu cầu ngày càng cao. Giải pháp chính là lựa chọn các mũi trọng tâm, khâu đột phá mới dựa trên sự kế thừa bài học của quá khứ và tinh thần tiến công cách mạng quyết liệt, không ngừng nghỉ. Trong đó, cần giải quyết căn cơ bài toán về tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, hoàn thiện hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông nghiệp nông thôn, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao thu nhập, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.
Cùng với đó, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa nông thôn lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu các giá trị văn hóa mới, để mọi người có thể “ly nông” mà “bất ly hương”, để mỗi làng quê trở thành nơi đáng sống, gắn bó máu thịt và neo giữ tình người, cho làng quê Hà Tĩnh rạng ngời sức sống bền lâu, cho chúng ta hôm nay và con cháu mãi đến mai sau.
Bùi Đức Hạnh