Hồi ấy, vào những ngày nông nhàn, người chồng sẽ dậy thật sớm xuống đồng đánh cá, người vợ ở nhà trồng rau, gỡ lưới và chăm con. Ngày mùa vợ chồng cùng cày cấy, thu hoạch. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng đầm ấm và hạnh phúc…
Giáp tết, gió vẫn thổi từng đợt lạnh buốt, bầu trời màu xám đục u ám. Trên đường, cỏ non lún phún mọc, những chiếc mầm xanh biếc bật lên giữa nền cỏ già héo úa. Dưới đồng, người ta đang hối hả gieo trồng vụ đông xuân. Ở các ruộng sâu trũng, mùi bùn non sục lên nồng nồng. Chỉ mai kia thôi là lúa sẽ được cấy kín ruộng. Các thửa ruộng cao và bãi bồi đang được cày cuốc để chuẩn bị trồng lạc, trồng ngô… Ai ai cũng tất bật, vừa làm, vừa nói chuyện sắm tết, rồi kể cho nhau nghe về những dự định trong năm mới.
Bước chân Đoản thất thểu, đôi mắt buồn như nền trời xám xịt. Liệu có ai còn nhớ Đoản không, khi anh vô tình bắt gặp những cái nhìn xa lạ?. Bỗng có tiếng người gọi với theo: “Chú Đoản phải không, về rồi à, tết qua nhà tôi chơi nhé!”. Đoản bần thần không nói nên lời, thì ra vẫn có người nhớ đến mình, khẽ gật đầu cho qua rồi bước vội. Chỉ cần men theo con đường nhỏ ngang đồng thì sẽ về đến nhà.
Mỗi khi người nông dân gieo vào đất một cây giống, một hạt mầm là người ta đang gieo biết bao hy vọng về tương lai, về một mùa màng bội thu.
Nhà kia rồi, căn nhà lá nhỏ tiêu điều, xác xơ nằm núp mình dưới tán cọ cao vút. Ngôi nhà bị bỏ hoang nhiều năm, mái lá cọ đã mục ruỗng, mối đắp từng tảng, cây dại mọc thành chòm, vách đất xô nghiêng sập sệ, quanh nhà cỏ dại mọc um tùm. Xung quanh là ruộng trồng lúa, hoa màu, xa hơn nữa là đồng sâu nước trắng. Đã nhiều năm trôi qua, cuộc sống ít nhiều đổi thay, vậy mà nơi này vẫn thanh bình quá, chỉ là Đoản không biết tiếp theo mình phải làm gì, tương lai sao mờ mịt quá. Anh khẽ thở dài.
Mộ vợ và con gái ẩn khuất trong đám cỏ dại, những vạt đất xô xuống làm chúng không còn rõ hình hài. Đoản nhanh chóng dùng liềm cắt sạch đám cỏ dại cao đến đầu gối, dùng cuốc xới sạch gốc, vén cho nấm mồ cao lên. Xong việc anh châm hương đốt, đôi mắt rưng rưng lệ. Bao đau đớn tủi khổ cứ thế trào dâng trong lòng, nước mắt tuôn rơi, đọng lại trong từng nếp nhăn.
Trời càng về chiều càng lạnh, người đàn ông ngồi thu lu châm thuốc hút, đôi bàn tay thô ráp xoa vào nhau nghe sồn sột. Lửa cháy bập bùng, sáng rực cả một khoảng không, xua tan cái lạnh lẽo lúc chiều tà.
– Mình ơi, anh vừa kiếm được mấy con cá chuối, mình đi lấy ít rơm đốt lên chấm với muối tiêu thì ngon phải biết!
Người vợ mỉm cười nhìn chồng, nói:
– Thật hay quá, ban nãy em cũng vừa mua được chai rượu nếp ngon lắm.
Người chồng như mở cờ trong lòng: “Thế thì còn gì bằng, mình làm luôn đi nhé, rồi lát hai vợ chồng mình cùng nhâm nhi cho vui”.
Hồi ấy, vào những ngày nông nhàn, người chồng sẽ dậy thật sớm xuống đồng đánh cá, người vợ ở nhà trồng rau, gỡ lưới và chăm con. Ngày mùa vợ chồng cùng cày cấy, thu hoạch. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng đầm ấm và hạnh phúc. Người chồng chưa bao giờ to tiếng với vợ, còn người vợ chịu thương, chịu khó, chăm sóc chồng con rất chu đáo. Căn nhà nhỏ luôn ngập tràn tiếng cười nói của trẻ thơ cùng những lời cưng nựng của cha mẹ. Thế nhưng…
Đoản vớ lấy chai rượu tu ừng ực, chút dư vị ngọt ngào bỗng phảng phất trong tâm trí, uống tiếp một hơi nữa, hạnh phúc chìm dần trong ký ức, anh nức nở khóc. Mùi rượu bỗng nồng nặc, vị cay đắng thấm dần trong khoang miệng, anh lơ mơ nghĩ về những điều đã qua. Sinh ra không biết cha mẹ mình là ai, Đoản cứ thế mà lớn lên trong lam lũ và cực nhọc. Ngỡ tưởng, hạnh phúc sẽ mỉm cười khi anh có một gia đình nhỏ với người vợ hiền và một đứa con ngoan. Vậy mà vợ cũng bệnh tật bỏ anh mà đi. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, vợ còn dặn dò hãy chăm sóc, nuôi dạy con thật tốt. Đoản gà trống nuôi con, năm lên mười con gái chết vì đuối nước. Cú sốc quá lớn, người đàn ông bỏ làng đi phiêu bạt. Bao biến cố đã xảy ra, có lúc tưởng rằng Đoản đã bỏ mạng nơi đất khách quê người, thế nhưng số phận vẫn cho anh được sống. Sống để trở về làng cũ, nơi đã từng là quê hương, là gia đình của mình.
Nắng lên, nắng thật diệu kỳ, nắng làm cho cảnh vật ngày xuân bỗng tươi sáng và thơm mát hơn. Nhìn kìa, những cành cây khẳng khiu nay bỗng nhú ra những búp non xanh nõn giơ những lá li ti như đang vẫy tay chào, bầu trời cũng cao và xanh hơn. Tiếng người ta cười nói chào đón mùa xuân cứ xôn xao hết làng trên xóm dưới. Điều ấy lại làm cho nỗi buồn như xoáy sâu hơn trong lòng người cô đơn. Đoản ngồi thơ thẩn trên bờ ruộng cả buổi, ngắm nhìn cảnh vật, suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai, miệng lẩm bẩm: “Đúng thật, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm…”.
Rượu từ từ thấm vào cơ thể, cảm giác bồng bềnh, lâng lâng, người đàn ông nằm vật trên bờ cỏ, thiếp đi trong cơn say. Mở mắt ra đã là quá trưa, tiếng hát của ai nghe chói tai: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng…”(*). Dưới đồng, một người đàn bà có dáng vẻ thô kệch, đội nón lá, chiếc khăn trùm đầu che kín nửa khuôn mặt, đôi tay đang thoăn thoắt cấy lúa, miệng vẫn hát vang dù giọng hát đến là dở. Đoản phì cười trong hơi men:
– Trưa rồi, không mệt à mà vẫn yêu đời thế bà chị?
– Bác Đoản tỉnh rồi à?
– Ai mà vẫn nhớ tên tôi thế? – Đoản bất ngờ.
– Em Luyến đây. Mệt, nhưng vẫn phải yêu đời bác ạ!
– Ờ, thế cứ yêu đi, chứ tôi đây chán đời quá rồi.
– Ấy bác ơi, chán gì thì chán chứ chán đời thì không được.
Người đàn bà vẫn thoăn thoắt cấy, từng cây mạ non rung rinh trong nắng, thoáng chốc những hàng lúa xanh đều tăm tắp hiện ra trước mắt người, tưởng rằng mỗi cây lúa non là một phím đàn thì bàn tay người cấy lúa như một nghệ sỹ biểu diễn. Mùa xuân về, cánh đồng đầy sức sống, từng cây lúa bé bỏng bám rễ mà vươn lên, những mầm lạc xanh ngắt bật tung đất hiên ngang đón nắng. Tất cả như đang trỗi dậy sau một mùa đông lạnh giá.
Lời nói của người đàn bà tên Luyến tưởng rất vô tư nhưng kỳ thực có cái gì đó như đang chế giễu, đang cười nhạo những kẻ chán đời. Mụ Luyến, người đàn bà xấu nhất làng, người đàn bà ế chồng, trước mụ có một đứa con trai, chắc giờ thằng bé phải lớn lắm rồi. Thôi thì dù sao cũng mừng cho mụ ta, có chỗ nương tựa lúc tuổi già.
– Bác Đoản ăn gì chưa?
– Tôi á, chỉ cần rượu thôi.
– Rượu thì no sao được, lại hại sức khỏe nữa.
Luyến tiến đến phía lạch nước rửa tay, xách chiếc thùng nhỏ lại gần bên Đoản.
– Bác không chê thì ăn cùng em mấy đồng bánh chưng cho vui.
– Ăn uống cái nỗi gì cô, tôi làm cút rượu rồi ngủ thiếp đi cho hết ngày.
– Ấy, không thế được bác, ngộ nhỡ không may trúng gió…
– Thì chết quách đi cho đỡ khổ chứ sao cô.
– Em là em rất bực khi bác nói thế đấy nhé. Chết không phải giải pháp đâu bác. Nói thật với bác ngày thằng Tí nhà em mất, em cũng nghĩ thế. Nhưng mà em suy nghĩ lại rồi, cuộc đời càng trêu ngươi ta lại càng phải sống sao cho thật kiên cường bác ạ. Sau đêm sẽ là ngày thôi bác.
– Cô Luyến nói những điều nghe hay ho phết nhỉ. Đoản cười nhạt. Mà thằng Tí sao lại…?
Mắt Luyến rơm rớm lệ, giọng nghẹn ngào:
Tất cả tại em bác ạ, tại em nghèo, em khổ quá, năm ấy hai mẹ con em đi nhặt ve chai, lúc sang đường chẳng may thằng bé bị xe cán chết. Sau đó em như người mất hồn, sống mà không bằng chết, em từng muốn chết quách đi cho xong. Nhưng trời lại cứ bắt mình phải sống. Thôi thì cứ tự động viên mình sống vui được ngày nào thì thằng Tí nó ở trên trời cũng thấy hạnh phúc ngày đấy.
Vừa nói, Luyến vừa lấy tay gạt nước mắt.
– Bác ăn lấy một đồng bánh với em cho vui.
Đoản ngại ngùng cầm lấy chiếc bánh chưng từ tay Luyến ăn một miếng, cái vị dẻo quẹo ngọt ngào của gạo nếp quyện với vị bùi béo của đỗ xanh thịt mỡ mới ngon làm sao. Ngon quá! – Đoản khẽ thốt lên. Có lẽ do bấy lâu nay cái miệng đã quen với vị cay đắng của rượu nên hôm nay mới cảm thấy bánh chưng ngon đến thế. Hay là do trong lòng mình bắt đầu cảm thấy sự gần gũi, ấm áp của tình người thôn quê.
Ngoài đồng, lúa reo vui trong nắng xuân, từng cơn gió đùa trên lá nghe rì rào. Mùa xuân đã phủ lên cánh đồng một màu xanh tươi mới. Kỳ lạ thật, ai đó đã nói mỗi mầm xanh là một mầm hy vọng. Vậy thì mỗi khi người nông dân gieo vào đất một cây giống, một hạt mầm là người ta đang gieo biết bao hy vọng về tương lai, về một mùa màng bội thu. Nếu không gieo hy vọng ở hiện tại thì làm sao có quyền mơ ước về những thành quả trong tương lai cơ chứ.
– Anh Đoản này, cố gắng lên nhé. Tôi chỉ biết động viên anh vậy thôi. Luyến vỗ vai Đoản một cái rồi lội xuống ruộng tiếp tục cấy.
– Cô Luyến ơi, tôi cảm ơn nhé!
Luyến quay lại mỉm cười nhìn Đoản bằng cặp mắt tươi vui.
Trong lời cảm ơn có cái gì đó nghẹn ngào lắm. Mắt anh bỗng nhòe đi, có lẽ đã đến lúc nên kết thúc những ngày tháng ủ ê trong khổ đau để bắt đầu lại một cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Trước mắt người, cánh đồng mùa xuân như trải dài đến vô tận.
(*) Trích lời bài hát Mùa xuân làng lúa làng hoa.
Trần Tú