Khi người dân vùng đồi Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) chỉ biết trồng keo thì anh Phạm Công Định ở thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ lại có quyết định táo bạo – phá bỏ toàn bộ vườn keo để trồng cây sim dại. Sự lựa chọn có phần “gàn dở” này lại mang đến hiệu quả kinh tế khó ngờ.
Giữa những cánh rừng keo ngút ngàn của người dân thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) là vườn sim rộng 10ha (trong đó có 2ha đã cho thu hoạch và 8ha vừa trồng đầu năm 2023) của anh Phạm Công Định.
Sắp vào mùa mưa, người trồng keo lo ngay ngáy vì sợ bão quật gãy cây thì anh Định rất an tâm vì sim là cây bụi thấp. Thời điểm này, mỗi ngày, vườn sim của anh có 10 – 15 nhân công thu hoạch sim chín, ngày cao điểm có thể thu hoạch hơn 3 tạ sim chín/ngày. Đây là năm thứ 3, cây sim cho thu trái ngọt nên sản lượng tương đối cao.
Anh Phạm Công Định chia sẻ: “Năm 2016, tình cờ qua một bài báo, tôi biết đến mô hình trồng sim thu hoạch quả của anh Nhàn ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong lúc cây keo 5 năm mới cho thu hoạch một lần, tính ra hiệu quả kinh tế không cao thì sim lại cho thu hoạch từng năm và nhu cầu thị trường lớn. Ý định được nung nấu, tôi đã tự chạy xe máy vào tận nhà anh Nhàn để tham quan, học hỏi kinh nghiệm”.
Sau khi tham khảo thực tế mô hình ở tỉnh Quảng Bình, anh Định càng thêm quyết tâm chuyển hướng từ trồng keo sang trồng sim. Bước đầu, anh đã phá bỏ vườn keo mới 1 năm tuổi để trồng sim trên diện tích khoảng 2ha.
“Sim vốn là loài cây dại đã từng có ở địa phương nên khi được trồng trên đất đồi rất phù hợp, phát triển nhanh. Đặc biệt, loài cây này rất ưa sáng, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có thể sinh trưởng, phát triển ngay cả trên đất cằn cỗi. Sau khi trồng, gia đình tôi chủ yếu tập trung làm cỏ, bón phân, nên cây sinh trưởng nhanh và cho thu quả. Sim ra hoa vào khoảng tháng 4 – tháng 5 và chín vào khoảng tháng 7, thời gian thu hoạch kéo dài trong 3 tháng. Thế nhưng, khi phá bỏ vườn keo tràm, ai cũng nói tôi là “gã gàn” – anh Phạm Công Định chia sẻ.
Trong 2ha sim đã trồng lâu năm của anh Định có khoảng 4.000 gốc. Năm đầu tiên (2021), sim chín bói, anh Định thu hoạch được khoảng 1 tấn, năm tiếp theo được hơn 3 tấn. Năm nay, gia đình anh Định đã thu hoạch được hơn 4 tấn sim chín. Với giá bán 30 triệu đồng/tấn, gia đình anh thu về hơn 120 triệu đồng. So với trồng keo, trồng sim lãi gấp 10 lần (1ha keo sau 5 năm cho thu hoạch được khoảng 60 triệu đồng).
Sim chín sau khi thu hoạch được, anh Định bán cho các nhà máy sản xuất rượu sim trên địa bàn Hà Tĩnh. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, hầu như ngày nào, gia đình anh Định cũng đóng thùng gửi xe ô tô cho khách hàng ngoại tỉnh như: Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng… Đặc biệt, sim còn được anh Định sấy khô rồi đóng gói hút chân không để gửi cho khách hàng ở nước ngoài.
Chị Nguyễn Hà Giang (ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Nhu cầu sim ngâm rượu của người dân rất lớn nên tôi kết nối với trang trại của anh Định để mua sim, cung cấp cho thị trường. Tôi còn dẫn một số người quen thích trải nghiệm hái sim lên trang trại của anh Định để tham quan, trải nghiệm. Về lâu dài, trang trại phát triển mô hình cho du khách đến tham quan, trải nghiệm hái sim sẽ càng hiệu quả hơn“.
Ngoài cây sim, anh Định còn trồng xen canh thêm cây sở – loài cây đặc sản được nhiều vùng miền núi phía Bắc trồng để thu hoạch quả ép dầu. Trong 2 năm tới, khi 8 ha sim mới trồng cho thu hoạch, anh Định sẽ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ loài cây này.
Anh Phạm Công Định là người tiên phong chuyển từ trồng keo tràm sang sim lấy quả. Quyết định táo bạo này của anh đã truyền cảm hứng để người dân trên địa bàn chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng sim phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Là một diễn viên múa của Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh, anh còn thường xuyên tham gia các phong trào, nhất là các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Anh Phan Văn Trí
Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ
Phan Trâm – Hương Thành