Mô hình nuôi nhím của nông dân Phan Văn Huân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Ông Phan Văn Huân ở thôn Phú Thuận Hợp, xã Cổ Đạm, có kinh nghiệm chăn nuôi hàng chục năm nay. Hiện, gia đình ông đang thực hiện mô hình nuôi nhốt nhím thương phẩm và nhím sinh sản.
Nói về ý tưởng khởi nghiệp từ việc nuôi loại “đặc sản” rừng này, ông Huân cho hay, năm 2020, gia đình đầu tư chuồng trại nuôi lợn thương phẩm. Thế nhưng đến ngày xuất chuồng, toàn bộ đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả châu Phi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
“Sau thất bại tôi trăn trở nhiều và quyết định đầu tư nuôi nhím. Trước đây, tôi thường đặt mua nhím tại các mối ở huyện miền núi Nghệ An về bán cho khách hàng khi có nhu cầu. Nhận thấy thị trường đầy tiềm năng nên tôi chọn cho mình hướng đi mới ” – ông Huân chia sẻ.
Thấy có triển vọng, ông bắt đầu nghiên cứu kĩ hơn, tìm hiểu các địa chỉ cung cấp giống uy tín. Đầu năm 2023, ông Huân bỏ ra hơn 150 triệu đồng ra Thanh Hóa mua 80 con giống có trọng lượng trên 2-3 kg, trong đó có 10 cặp giống nhím sinh sản.
Tận dụng khu chuồng trại nuôi lợn trước đây ông thả đàn nhím vào chăm sóc. Để có thêm kinh nghiệm, ông cất công tìm đến những trại nuôi số lượng lớn để học hỏi, đồng thời cập nhật thêm kiến thức từ các kênh trên mạng xã hội.
Theo ông Huân, nhím là loài động vật còn nhiều bản năng hoang dã nên có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường, ít bị dịch bệnh. Đây là loại ăn tạp nên không kén thức ăn, chủ yếu ăn rau, củ, quả và các sản phẩm nông nghiệp… nên chi phí không đáng kể. Nuôi nhím khá nhàn, có thể vừa làm nghề khác để kiếm thêm thu nhập.
Nhờ chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ nên đàn nhím của ông rất mau lớn. Thời điểm này gia đình đang xuất bán 50 con nhím thương phẩm ra thị trường, giá dao động từ 350.000 – 370.000 đồng/kg, thu về gần 240 triệu đồng.
Thịt nhím có thể chế biến được nhiều món như: hấp, xào sả ớt, giả cầy… với thành phần dinh dưỡng cao nên không lo về đầu ra. Thời điểm này, nhiều nhà hàng, khách sạn đến đặt hàng nhưng “cung không đủ cầu”
Ngoài ra, sau một năm chăm sóc, đàn nhím của ông đã sinh sản được 10 con. Hiện ông đang lựa chọn những con khỏe mạnh để lại làm giống còn những con không đạt chuẩn nuôi vỗ béo bán thương phẩm.
Mô hình nuôi nhím của ông Phan Văn Huân với chi phí đầu tư không cao, kỹ thuật đơn giản, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Đây là mô hình có nhiều triển vọng nhân rộng giúp nông dân phát triển kinh tế, mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Ông Lê Thanh Bình
Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm
Hữu Trung