Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Việt Nam đã vượt qua đại dịch COVID-19, mang lại bình yên cho Nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Đại biểu tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Baochinhphu.vn.
Sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương. Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, đại diện một số tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Đại dịch COVID-19 ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.
Tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, cả nước đã đoàn kết, thống nhất trong phòng chống dịch. Việt Nam trở thành một trong những nước “đi sau nhưng về trước” trong phòng, chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế – xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này, thế giới ghi nhận đã có trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.
Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Với sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Hà Tĩnh đã chung sức, chung lòng với quyết tâm cao, vào cuộc quyết liệt, linh hoạt ứng phó để bảo vệ sức khỏe Nhân dân và duy trì các hoạt động phát triển KT-XH. Hà Tĩnh đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả; đưa kinh tế từng bước phục hồi và phát triển, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường. Tới tháng 5/2023, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đợt tiêm vắc-xin phòng COVID-19 thứ 36 dành cho người lớn với số lượng 20.300 liều và đợt tiêm thứ 19 dành cho trẻ em, với số lượng 8.700 liều. Tỷ lệ trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt trên 81,2%; từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiêm mũi nhắc lại lần 1 là trên 80,14%; từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 1 là 92,58%. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung xác định những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.vn
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch đã chứng minh tinh thần, bản lĩnh của Việt Nam, không lùi bước trước khó khăn, thách thức.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương, ban chỉ đạo các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sỹ bộ đội, công an và lực lượng tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19; đồng thời, tri ân sự hy sinh, đóng góp của các lực lượng, nhà hảo tâm, người dân tham gia phòng chống dịch… Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam.
Phân tích một số khó khăn, hạn chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh; tiếp tục khắc phục những hậu quả kéo dài của dịch COVID-19. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế…). Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; triển khai Luật Khám chữa bệnh vừa ban hành.
Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống Nhân dân; tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Thủ tướng cho rằng, dù còn những khiếm khuyết, song Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Đình Nhất