Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đồng hành cùng doanh nghiệp Nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp hoạt động, đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Sáng 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Lê Minh Khái chủ trì hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT, Việt Nam hiện có 676 DNNN, trong đó 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
DNNN chủ yếu hoạt động trong các ngành, lĩnh vực: quốc phòng – an ninh; nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi; hoạt động xổ số; hoạt động công ích chiếu sáng, đô thị, cấp thoát nước…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt hơn 3,82 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Tổng vốn chủ sở hữu của DNNN là 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021. Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các DNNN là 1,69 triệu tỷ đồng.
Năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, các DNNN đã cơ bản tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu các DNNN trên cả nước đạt hơn 689 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm; lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch; nộp ngân sách hơn 67 nghìn tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch.
Ước cả năm 2023, doanh thu các DNNN cả nước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 128,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Lãnh đạo một số sở, ngành, DNNN Hà Tĩnh tham dự hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, các DNNN đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành một số giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách, vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp, huy động nguồn lực… để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã thông tin về hoạt động hỗ trợ DNNN và giải trình một số nội dung các doanh nghiệp kiến nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp của hội nghị, đó là “Chung sức, đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước”. Đồng thời, nêu rõ các quan điểm trong chỉ đạo, điều hành đối với sự phát triển của DNNN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư… nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNN đầu tư phát triển.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Về phía các doanh nghiệp, phải xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất – kinh doanh, góp phần thực hiện các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển KT-XH; tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào 3 đột phá và các chương trình, dự án lớn của Nhà nước; kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan để sớm tháo gỡ; góp phần xây dựng, hoàn thiện vào thể chế, cơ chế chính sách; phối hợp với các cơ quan Nhà nước để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.
Các doanh nghiệp phải cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm; tạo sự đoàn kết, thống nhất giữa các doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, cùng nhau phát triển; đề cao đạo đức doanh nhân và có trách nhiệm với xã hội; chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)…
Tại Hà Tĩnh, hiện nay có 10 DNNN và có vốn Nhà nước. Giai đoạn 2012 – 2015, đến năm 2020 đã thực hiện cổ phần hóa được 5 DNNN, gồm: Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh; Công ty CP Môi trường Đô thị Hồng Lĩnh; Công ty CP Môi trường và Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – CTCP; Công ty CP Đăng kiểm Hà Tĩnh. Đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành xong kế hoạch lộ trình cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện nay còn 5 DN 100% vốn nhà nước, gồm: Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh; Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn; Công ty TNHH MTV Chúc A; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hà Tĩnh. Đây là các DN hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực thủy lợi, nông – lâm nghiệp, xổ số kiến thiết, không thuộc đối tượng thực hiện cổ phần hóa. Tính đến nay các DNNN trên địa bàn tỉnh sử dụng 3.664 lao động. Một số DNNN đạt kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh tích cực, vượt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra như: năm 2022, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đạt lợi nhuận 14,2 tỷ đồng (đạt 221,67% kế hoạch), Công ty CP Đăng kiểm Hà Tĩnh đạt lợi nhuận 1,89 tỷ đồng (đạt 159% so với kế hoạch), Công ty CP Môi trường đô thị Hà Tĩnh đạt lợi nhuận 5,68 tỷ đồng (đạt 119% so với kế hoạch). |
Ngọc Loan