Với tầm nhìn xa trông rộng của một thiên tài, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nắm bắt được tình hình thế giới, đánh giá đúng thời cơ cách mạng để cùng Đảng ta lãnh đạo Nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, nổi bật nhất của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi đó gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta. Để có thắng lợi đó, Đảng ta, Nhân dân ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh. Sau “30 năm ấy chân không nghỉ”, Người đã đến “những đất tự do, những trời nô lệ”, bôn ba tìm đường cứu nước và trở về Tổ quốc đầu năm 1941 để cùng Đảng ta chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám sau này.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám là kết quả đấu tranh trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Từ đường lối, sách lược, phương pháp, cách thức, mục tiêu chính trị được đề ra trong Luận cương Chính trị của Đảng tháng 10/1930 đến quá trình chuẩn bị và xây dựng lực lượng, Đảng ta luôn khẳng định, lực lượng quần chúng có vai trò to lớn trong sự nghiệp cách mạng, trong đó, nòng cốt là LLVT. Kế thừa truyền thống chống giặc ngoại xâm, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chuẩn bị xây dựng LLVT – đội quân quan trọng hàng đầu, trực tiếp tham gia chiến đấu, quyết định sự thành công của cách mạng.
Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII (5/1941) quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh. Ảnh tư liệu.
Ngay sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và quyết định phải xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tháng 10/1941, Người quyết định thành lập đội du kích vũ trang đầu tiên của Cao Bằng. Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…, đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc”(1).
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, trực tiếp tham gia chiến đấu bên cạnh các cơ sở, lực lượng dân quân ở các địa phương, đóng vai trò nòng cốt, quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu.
Hồ Chí Minh là thiên tài về chiến lược quân sự. Tác phẩm “Cách đánh du kích” là một trong những cuốn sách đầu tiên của Người về quân sự từ năm 1941. Tác phẩm được phổ biến trong các đoàn thể cách mạng thời kỳ 1941-1945. Tháng 5/1944, sách này được Tổng bộ Việt Minh xuất bản và phát hành rộng rãi, dùng làm tài liệu huấn luyện tại các trường quân chính ở Việt Bắc trong những ngày chuẩn bị cuộc Cách mạng Tháng Tám. Tác phẩm “Cách đánh du kích” có 13 chương, nội dung mỗi chương nêu ngắn gọn, dễ hiểu để cán bộ, Nhân dân nhận thức đúng và thực hiện được. Phần cuối tác phẩm, Người viết: “Có chính quyền cách mạng của địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà phát triển lực lượng và hóa ra quân chính quy (quân chính quy là đội quân tổ chức theo quy củ nhất định về mặt biên chế, kỷ luật, súng ống, áo quần, ăn uống đều theo quy củ nhất định ấy)”(2). Đúng là một dự báo, một sự phát triển tất yếu của quân đội cách mạng sau này.
Để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa và kháng chiến lâu dài, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, lược dịch và biên soạn tác phẩm “Phép dùng binh của ông Tôn Tử” gồm 13 chương, được Tổng bộ Việt Minh xuất bản vào tháng 2/1945. Một cuốn sách dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay, rất cần thiết cho công tác quân sự và chính trị của cán bộ thời bấy giờ và cả sau này.
Chiếc bàn đá bên suối Lê-Nin, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngồi làm việc trong những ngày Người ở tại Pác Bó, Cao Bằng từ năm 1941 – 1945. Ảnh tư liệu.
Với kinh nghiệm truyền thống đánh giặc giữ nước, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc để tập hợp, tổ chức lực lượng và huấn luyện chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Từ căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai, mở rộng đến Cao Bằng và căn cứ địa Việt Bắc đã tạo nên một vùng rộng lớn để tập hợp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia các lực lượng.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám chính là xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa. Một sự lựa chọn tài tình, đúng đắn, mang tính lịch sử của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh để làm nên một thành quả vĩ đại cho dân tộc. Từ chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào tháng 3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đến bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc phát vào đêm 13/8/1945 là bước đi mang tính lịch sử, đã chọn đúng thời cơ khởi nghĩa, nhân lên sức mạnh của toàn dân tộc, giành thắng lợi to lớn. Đó là những giờ phút cả dân tộc Việt Nam đã đứng dậy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Nhớ về những năm tháng đó, sau này, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết với niềm tự hào, kiêu hãnh: “Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”(3).
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu.
Lịch sử đã minh chứng, khẳng định, Cách mạng Tháng Tám thành công là thành quả vĩ đại có một không hai trong lịch sử Việt Nam suốt gần 8 thập niên qua. Vậy mà, các thế lực thù địch, tổ chức phản động luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn, với nhiều hình thức hòng bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc. Những luận điệu đê hèn, thiếu khách quan, sai sự thật, bôi nhọ lịch sử đó đã bộc lộ bộ mặt của những kẻ dã tâm muốn gây mất niềm tin, sự ổn định, chia rẽ khối đoàn kết thống nhất. Bảo vệ, phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám là phải luôn tỉnh táo nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng để tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch.
Tháng Tám trời thu cao xanh vời vợi đang cho ta thêm niềm tin, khát vọng mới để đưa sức lực, trí tuệ góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, Nhân dân ấm no, thỏa nguyện ước của biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống để làm nên thành quả vĩ đại trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu.
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 54 năm Bác Hồ về với thế giới người hiền, chúng ta càng thêm biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài đã cùng Đảng ta, Nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ. Tinh thần Cách mạng tháng Tám luôn tỏa sáng, mãi là ngọn nguồn sức mạnh, động lực to lớn cho sự nghiệp đổi mới. Hào khí Cách mạng Tháng Tám đang thôi thúc chúng ta phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, quê hương phồn vinh, hạnh phúc.
Nội dung: Phan Trung Thành
ảnh: tư liệu
thiết kế & kỹ thuật: huy tùng – khôi nguyễn
_______
(1) Theo Hồ Chí Minh toàn tập. CD – Rom. NXB Quốc gia – Sự thật (XB lần thứ 3), tập 3, trang 539;
(2) Theo Hồ Chí Minh toàn tập. CD – Rom. NXB Quốc gia – Sự thật (XB lần thứ 3) tập 3, trang 536;
(3) Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.
6:19:08:2023:08:02