Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành thay đổi tư duy, nhận thức và hành động để sản xuất các sản phẩm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hoá phát triển xứng tầm.
Sáng 22/12, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bùi Xuân Thập chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bùi Xuân Thập chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, giai đoạn 2018 – 2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hoá. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hoá đã từng bước được nâng cao.
Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội triển khai hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá để kinh doanh, mang lại lợi ích nhất định về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hoá giai đoạn 2018 – 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong ngành công nghiệp văn hoá ước đạt 7,2%/ năm; lao động thuộc ngành công nghiệp văn hoá tăng nhanh. Các ngành công nghiệp văn hoá có khả năng phát triển nhanh, lâu dài, bền vững, có giá trị tôn vinh văn hoá, bản sắc dân tộc, định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Hội nghị cũng đã phân tích các tồn tại, hạn chế trong phát triển ngành công nghiệp văn hoá và đề ra phương hướng phát triển chung trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2030 sẽ phát triển các ngành công nghiệp văn hoá dựa trên sự sáng tạo, khoa học – công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam. Phát triển công nghiệp văn hoá gắn liền với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Thời gian qua, Hà Tĩnh luôn quan tâm đến việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã ban hành một số thể chế, cơ chế, chính sách và công tác chỉ đạo điều hành liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Kế hoạch số 338/KH-UBND ngày 10/10/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 2047/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 của UBND tỉnh về ban hành Thể lệ giải thưởng Văn học Nghệ thuật lần thứ VII; Quy chế xét chọn Giải thưởng Nguyễn Du lần thứ VII(2015-2020); Kế hoạch số 452/KH-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai chiến lược văn hoá đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2026, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025… |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và tiếp thu các ý kiến thảo luận tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu; biểu dương những đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá vào tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị sau hội nghị, các ngành, các cấp phải có sự chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động về ngành công nghiệp văn hoá để sản xuất được các sản phẩm hiệu quả, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Bám sát các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để phát triển ngành công nghiệp văn hoá; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhất là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, các ngành; rà soát, đẩy mạnh hoàn thiện chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn, đất đai, thuế… để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hoá.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là rà soát và tham mưu bãi bỏ các quy định không phù hợp, gây cản trở công nghiệp văn hoá phát triển; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển ngành công nghiệp văn hoá; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực về quản lý công nghiệp văn hoá; hoàn thiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài năng trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật; tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ trong phát triển công nghiệp văn hoá; chú trọng công tác thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá; đẩy mạnh phát triển thị trường, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Ánh Nguyên