Lễ kỷ niệm 95 năm năm sinh, tưởng nhớ 20 năm ngày mất của nhà viết kịch Phan Lương Hảo – người đầu tiên ở Hà Tĩnh vinh dự được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 do gia đình tổ chức đã lan tỏa nhiều giá trị tới đông đảo giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Ông Phan Lương Hảo sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở vùng quê ven bờ sông La, thuộc thôn Hoa Đình, xã Bùi Xá (nay là Bùi La Nhân) huyện Đức Thọ, mảnh đất cùng thời đã sản sinh khá nhiều văn nhân nghệ sĩ như nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhà văn Nguyễn Xuân Thiều, các nhà thơ Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Quốc Anh…
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh tặng hoa cho tác giả Phan Lương Hảo và diễn viên chính vở kịch hát Mai Thúc Loan. Ảnh tư liệu
Năm 1948, ông nhập ngũ, tham gia đánh Pháp với chức vụ Trung đội phó. Sau khi xuất ngũ, từ năm 1957, ông chuyển công tác tại Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hóa. Năm 1962, ông trở về quê, làm cán bộ ở Ty Văn hóa Hà Tĩnh. Năm 1969, ông là một trong những hội viên sáng lập và là Ủy viên BCH nhiệm kỳ đầu của Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Sau tách tỉnh, ông nghỉ hưu, sống với vợ con ở phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh. Cố tác gia Phan Lương Hảo là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, liên tục giữ chức vụ Ủy viên BCH, Trưởng ban Sân khấu Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh từ khóa I đến khóa IV.
Chưa tính diễn ca, thơ Đường, nhà viết kịch Phan Lương Hảo đã viết trên 30 vở kịch, hoạt cảnh, tổ khúc dân ca, được in ấn, dàn dựng ở Trung ương và địa phương. Những vở kịch tiêu biểu của ông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có thể kể: Cô thủ kho (1966), Bóng đa đầu làng (1967), Gái núi Nài (1968), Trận địa mới (1970), Cô Tám (1973), Bên công sự (1975)… Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại cũng là khi ông đang ở độ sung sức sáng tạo và lần lượt cho ra mắt các vở kịch: Gói quà (1979), Chuông đồng hồ báo thức (1984), Mai Thúc Loan (1985), Khúc hát rừng thông (1986), Xôn xao rừng quế (1990)…
Đặc biệt, vở kịch hát “Mai Thúc Loan” giành HCV tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức tại TP Vinh năm 1985 đã đặt dấu mốc khẳng định kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh chính thức trở thành một thể loại trong vườn hoa kịch hát dân tộc. Vở cải lương “Xôn xao rừng quế” giành giải A tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 ở Hải Phòng.
Vào những năm cuối đời, ông vừa phải kiên cường chống chọi với bệnh tật, vừa miệt mài lao động nghệ thuật để tiếp tục cho ra đời diễn ca Huyền thoại núi Hồng (1998); 2 vở kịch dài Đi tìm rốn mỏ (2001) và Trăng soi nỗi oán (2002). Do tuổi cao sức yếu lại lâm trọng bệnh, ông đã tạ thế vào ngày 21/7/2003 (nhằm ngày 22/6 năm Quý Mùi) trong nỗi tiếc thương của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng mến mộ.
Trích đoạn “Khúc ca ly biệt” trong vở “Mai Thúc Loan” của cố tác giả Phan Lương Hảo do Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ Thành Sen biểu diễn.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động văn hóa, văn nghệ của mình, kịch tác gia Phan Lương Hảo đã từng giành được nhiều phần thưởng cao quý như: tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa Việt Nam; nhiều bằng khen của Bộ Văn hóa – Thông tin, UBND tỉnh.
Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc trên lĩnh vực sân khấu, năm 2012, nhà viết kịch Phan Lương Hảo được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho tập “Ca kịch chọn lọc”. Năm 2020, được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, Nhà xuất bản Sân khấu đã cho ra mắt tuyển tập Phan Lương Hảo.
“Thân xác ấy dẫu về làm cát bụi/ Hồn lửa còn reo trong ký ức bao người” (thơ P.T.H). Đã 20 năm kể từ ngày nhà viết kịch Phan Lương Hảo rời xa cõi tạm về với tổ tiên, nhưng chắc chắn cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn sống mãi trong tâm tưởng của nhiều người, bởi ông xứng danh là một nghệ sĩ chân chính, dám cháy hết mình cho những đam mê sáng tạo, là tấm gương mẫu mực về thái độ ứng xử với quê hương, dòng tộc, gia đình.
Trong lễ kỷ niệm, tưởng nhớ 95 năm năm sinh, 20 năm ngày mất của nhà viết kịch Phan Lương Hảo, nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, trong đó có những người từng là đồng nghiệp cùng thời như diễn viên Xuân Ngô, Hồng Loan, Hoài Thanh, Thanh Mai hay thế hệ đàn em như Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh, nhạc sĩ Mạnh Chiến, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu và đông đảo khán giả đều không nén nổi xúc động khi được thưởng thức trích đoạn “Khúc ca ly biệt” trong vở kịch thơ “Mai Thúc Loan” do diễn viên của CLB Dân ca, dân vũ Thành Sen thể hiện. Lời chia tay của Mai Thúc Loan (nghệ nhân Trần Văn Sang thủ vai) với người yêu là cô Vải (Nghệ nhân dân gian Phan Thùy Diễm thủ vai), cảnh ông bị quân lính triều đình đến bắt đi, dân làng dang tay bảo vệ ông đã gây xúc động sâu sắc.
Làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh đưa khán giả về với cội nguồn lịch sử quê hương, đằm sâu, da diết, lay động. Trên khóe mắt nhiều khán giả, trong đó có nhiều người trẻ, nước mắt tuôn trào. Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) xúc động nói: “Cha tôi từng là diễn viên của Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống), hôm nay được gặp những người cùng thời với ông, được xem trích đoạn vở kịch thơ “Mai Thúc Loan” do nhà viết kịch Phan Lương Hảo sáng tác dựa vào các làn điệu ví, giặm, tôi vô cùng xúc động vì được trở lại không khí sân khấu tỉnh nhà một thời”.
Nghệ nhân Lê Thị Kim Phú (CLB Dân ca, dân vũ Thành Sen) người được tham gia vai diễn quần chúng không giấu nổi niềm tự hào: “Lần đầu tiên tôi được tham gia diễn xuất, dù chỉ là vai phụ nhưng tôi vô cùng thích thú và yêu mến trích đoạn của vở diễn. Tôi mong muốn được tiếp tục biểu diễn để lan tỏa những thông điệp tới người xem”.
Nhà văn Phan Trung Hiếu, con trai nhà viết kịch Phan Lương Hảo phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Cùng với biểu diễn trích đoạn vở kịch thơ, khán giả còn được thưởng thức các làn điệu khác của dân ca ví, giặm, được nghe diễn viên Hồng Loan (81 tuổi) ôn lại kỷ niệm đóng vai cô Tám, nhân vật chính trong vở kịch thơ “Cô Tám” do Đoàn Ca kịch Hà Tĩnh biểu diễn năm 1973. Nhiều văn nghệ sĩ có dịp hồi tưởng về những năm tháng văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh dòng hồi ức về những năm tháng hào hùng, nhiều người bày tỏ niềm vui vì dân ca ví, giặm tiếp tục lan tỏa, sống mãi trong lòng Nhân dân.
Nhà văn Phan Trung Hiếu, con trai nhà viết kịch Phan Lương Hảo chia sẻ: “Lễ tưởng niệm 95 năm năm sinh, 20 năm ngày mất của cha tôi không chỉ là dịp để gia đình tưởng nhớ về người cha, người ông của mình mà còn là dịp để giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà hội tụ, gặp gỡ, hiểu thêm về cuộc đời cống hiến của ông, thắp sáng ngọn lửa tình yêu với sự nghiệp sân khấu tỉnh nhà, lan tỏa những giá trị lớn lao của di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà nói chung và con cháu chúng tôi nói riêng trong chặng đường tới”.
Minh Huệ