Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có dự án cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh.
Chiều 10/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì họp phiên thứ 7 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành và địa phương liên quan. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp phiên thứ 7 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Ảnh: VGP.
Sau phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 13/7, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, phối hợp, nỗ lực triển khai các công việc được giao; tập trung khắc phục khó khăn, đặc biệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác cấp mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án.
Tình hình có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vướng mắc được tháo gỡ. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Đơn cử như dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đã bàn giao được 89% (tăng 2% so với tháng trước), tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công là 80% (tăng 3% so với tháng trước); công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế đang tiếp tục triển khai.
Đối với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành 4 dự án đường bộ cao tốc vào cuối năm 2023.
Các đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT vẫn gặp một số khó khăn như công tác GPMB phần diện tích còn lại, triển khai xây dựng hạ tầng khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là các đường điện cao thế vẫn còn chậm; nguồn VLXD chưa đáp ứng yêu cầu thi công dự án.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 chưa được các địa phương thực hiện; chi phí GPMB tại dự án Biên Hòa – Vũng Tàu tăng cao dẫn đến vượt tổng mức đầu tư của dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai…
Đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang được triển khai thi công.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu đã thông tin về tình hình triển khai công tác GPMB, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công dự án. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm ngành GTVT.
Nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua Hà Tĩnh.
Trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, được thực hiện qua 2 giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2025. Giai đoạn 2017 – 2020 có dự án thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt dài 49,3 km, trong đó đoạn qua huyện Đức Thọ là 4,84 km, đã hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho nhà đầu tư. Giai đoạn 2021 – 2025 có 3 dự án thành phần là Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng với chiều dài 102,38 km và 3 tuyến kết nối dài 12,18 km. Đến nay, Hà Tĩnh đã kiểm đếm GPMB đạt 100%; áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt 98,81% và đã bàn giao mặt bằng đạt 97,57%. Tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB là 1.810,31/2.578,69 tỷ đồng, đạt 70,02%). Tỉnh đã khởi công xây dựng 25/26 khu tái định cư, 4/4 khu nghĩa trang và triển khai di dời hạ tầng đường điện. UBND tỉnh đã chấp thuận bản xác nhận 11/11 mỏ theo đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng; HĐND tỉnh đã quyết định chủ trương sử dụng rừng 7/7 mỏ có rừng. Hiện nay, các đơn vị đang thỏa thuận giá bồi thường với các tổ chức, cá nhân và đang thực hiện các thủ tục trồng rừng thay thế… |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh VGP.
Phát biểu kết luận phiên làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, phối hợp, nỗ lực triển khai các công việc được giao; tập trung khắc phục khó khăn, nhất là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp mỏ VLXD, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 3 đột phá chiến lược đang được tiến hành đúng hướng, phải “thừa thắng xông lên” để tiếp tục thực hiện, trong bối cảnh yêu cầu đặt ra phải nhanh chóng có hạ tầng kết nối để phát triển. Đây là thời điểm lịch sử quan trọng, cần nỗ lực phấn đấu để đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chúng ta hoàn thành hệ thống cao tốc từ Bắc tới Nam, từ Đông sang Tây và kết nối các vùng trong cả nước, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, khu dịch vụ, khu công nghiệp mới, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần thần tốc, thần tốc hơn nữa vì sự phát triển theo yêu cầu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của người dân. Các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lúc này để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Tổ công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm tổ trưởng, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng VLXD thông thường phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua Hà Tĩnh, vào ngày 3/7.
Các địa phương giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ; trong đó, tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân; khẩn trương thực hiện các thủ tục về mỏ VLXD thông thường dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng các hướng dẫn của Bộ TN&MT; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, “ép giá”, đầu cơ đất khu vực mỏ.
Bộ GTVT cần chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục để có thể khai thác 27 mỏ đã xác nhận bản đăng ký trong tháng 8/2023 và 27 mỏ đã trình trong tháng 9/2023.
Tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” bảo đảm hoàn thành 4 dự án thành phần trong năm 2023 và 2 dự án thành phần trong năm 2024 của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai các dự án bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đã bố trí.
Bộ NN&PTNT khẩn trương hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương thực hiện việc nộp tiền vào quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế, bảo đảm rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng, hoàn thành trong tháng 8/2023.
Bộ TN&MT sớm dự thảo báo cáo của Chính phủ để báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; sớm tham mưu Chính phủ cho phép các tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác…
Văn Đức