Trong cái nắng của trung tuần tháng 8, tôi trở lại bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê – Hà Tĩnh) nơi biên cương của Tổ quốc. Bản nằm tựa lưng vào sườn núi Cà Đay và quay mặt về phía thượng nguồn con sông Ngàn Sâu thơ mộng.
Đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre vui Tết Lấp lỗ.
Đây là nơi quần cư của 46 hộ gia đình với 156 nhân khẩu người Chứt (thuộc tộc người Mã Liềng). Tổ tiên của họ từng lang bạt sinh sôi từ trong hang động hoặc nơi tận cùng chóp núi dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Từ thế kỷ XX về trước mấy ai biết được trong những lùm cây hang hốc của núi Cà Đay và đoạn cuối cùng của dòng sông Ngàn Sâu đã một thời âm thầm, lặng lẽ cưu mang trên mình cả bộ tộc người sống lay lắt, hoang dã. Sự xuất hiện của người Chứt lúc ấy chỉ là một “mảnh ghép” giữa đại ngàn, góp phần làm đa dạng thêm hệ sinh thái của dãy Trường Sơn. Phải đến năm 2001, sau khi biết được người Chứt còn tồn tại, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh được sự giúp đỡ của các địa phương, đã thành lập tổ công tác 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) về đóng quân trên địa bàn thì người Chứt mới thực sự được khai trí. Sống trong tăm tối nơi hang đá lạnh lẽo, hoang sơ, truyền đời dựa vào sự ban phát của núi rừng nên khi được dìu dắt vạch đường đi ra, họ đã choáng ngợp trước ánh bình minh của một ngày mới. Họ thực sự đã bối rối và hồi hộp, có cả lo sợ và hoài nghi khi bước chân vào đất trời mênh mông của thế giới văn minh.
Người Chứt không phải là “con thú hoang lạc giữa rừng sâu” nhưng để đưa họ hòa nhập vào cộng đồng thì đòi hỏi các chiến sĩ biên phòng ở đây ngoài sự kiên trì, gương mẫu còn phải có lòng vị tha, sự cảm thông sâu sắc. Ngoài ra, các chiến sĩ còn phải có một niềm tin. Họ xem việc bảo vệ sự bình yên nơi biên giới và giúp đỡ đồng bào vùng biên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, thoát khỏi bóng tối ngàn đời, thoát khỏi những tập tục lạc hậu là sứ mệnh thiêng liêng mà Đảng, Nhân dân và quân đội giao phó. Ngoài việc lo cho người Chứt ổn định chỗ ăn ở và “no cái bụng” thì công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào thực hiện nếp sống văn minh là điều hết sức khó khăn. Để đưa họ hòa nhập vào cộng đồng, có cuộc sống ổn định, văn minh, duy trì nòi giống, chống hôn nhân cận huyết, ngoài cơm ăn, áo mặc thì công tác chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình là một vấn đề rất cam go, phức tạp.
Bộ đội Biên phòng Bản Giàng cùng các cô giáo đồng hành cùng các em học sinh dân tộc Chứt đến trường đầu năm học mới.
Để đưa họ thoát khỏi những tập tục lạc hậu truyền đời, Trung tá Phan Trọng Nam – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng tâm sự: “Từ khi được bộ đội biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn, người Chứt đã tự giác xóa bỏ được nhiều hủ tục. Từ đó, số trẻ sơ sinh tử vong rất ít, tuổi thọ của chị em phụ nữ cũng tăng lên. Nhằm không ngừng nâng cao đời sống dân sinh cho người dân, từ ngày đầu lập bản đến nay, đồn luôn duy trì 5 đồng chí cắm bản kết hợp với 1 y sĩ thường xuyên khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho họ. Nhờ làm tốt công tác khám chữa bệnh và phổ biến kiến thức trong sinh sản và kế hoạch hóa gia đình nên 2 năm gần đây, toàn bản không có trẻ sơ sinh bị chết”.
“Nắn lòng người khó hơn nắn lòng sông” nên để họ chấm dứt được hủ tục không phải ngày một ngày hai. Những bài học đầu tiên về công tác vệ sinh cá nhân được các chiến sĩ biên phòng thông qua một số chị em phụ nữ thôn, xã tuyên truyền đến với dân bản. Rồi công tác tránh thai, hôn nhân cận huyết, chuyện qua sông đi tìm cái chữ, chuyện con ma về làng… đều là những thách thức rất lớn đối với những người lính biên phòng cắm bản. Để thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, những biện pháp tránh thai cũng được hội phụ nữ, đoàn thanh niên địa phương kết hợp tuyên truyền tận từng gia đình. Bộ đội biên phòng trực tiếp cấp kinh phí, phương tiện để họ đi tới các trung tâm y tế huyện, xã. Mấy năm gần đây, có nhiều cặp vợ chồng đã tự giác đình sản.
Tôi gặp anh Hồ Nam vác nứa trong rừng về. Tôi hỏi vác nứa làm gì vậy, anh cười nhìn tôi để lộ hai hàm răng trắng và trả lời: Nghe bộ đội nói năm nay nắng nhiều thì sắp tới sẽ có mưa to và gió nữa nên mình lấy nứa này về nhà che chứ đến khi mưa lại lo không kịp. “Lo không kịp”. Câu nói rất đơn giản nhưng đó là nhận thức lớn của một con người khi họ được khai trí. Từ một bộ tộc hoang dã, hiện nay, bản Cà Đay đang có 1 em theo học bậc đại học, 15 em theo học THPT và THCS, 34 em học tiểu học và mẫu giáo.
Quân y biên phòng khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con dân tộc Chứt.
Đại tá Bùi Hồng Thanh – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh chia sẻ: “Cung cấp đủ lương thực theo định kỳ, kết hợp bảo vệ nguồn nước sạch để hạn chế những dịch bệnh bùng phát là việc làm thường xuyên được kết hợp chặt chẽ giữa người lính cắm bản với người dân. Tôi tin rằng, những tập tục lạc hậu của người Chứt sẽ được xóa bỏ. Và họ sẽ có nghị lực vươn lên để hòa vào trong dòng chảy tiến bộ của xã hội”.
Tôi về xuôi vào ban trưa khi trời nắng chang chang như thiêu, như đốt. Dòng sông Tiêm một mạch nguồn từ ngọn núi Cà Đay chảy về đã khô tróc đáy. Vượt qua dòng sông, tôi ngoái đầu lại. Nhìn bản làng có nước ngọt sinh hoạt, có cơm ăn, áo mặc là lòng lại bồi hồi tin tưởng một ngày gần đây người ở bản Cà Đay sẽ văn minh, no đủ hơn. Trên lưng đồi, một con chim gõ kiến đi tìm mồi đã quay về tổ đang quẹt mỏ trên thân cây lồ ô. Nghĩ về những điều kỳ diệu dưới chân núi Cà Đay nơi thượng nguồn con sông Ngàn Sâu với những con người dân tộc Mã Liềng, lòng tôi dâng lên những cảm xúc khó nói thành lời.
Hương Khê, tháng 8/2023
Trần Hậu Thịnh