Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Anh Trần Văn Quý (tỉnh Đài Nam, Đài Loan – Trung Quốc): Tết là dịp để gắn kết tình đồng hương, đồng nghiệp.
Cũng như Việt Nam và một số nước châu Á, người Đài Loan đón năm mới bằng tết Nguyên đán, đây là tết cổ truyền và là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Vì vậy, các cơ quan, doanh nghiệp ở Đài Loan cũng có kế hoạch nghỉ tết, đón tết dài ngày, nhờ đó, chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị tết.
Tôi quê xã Thạch Xuân (Thạch Hà), đã có 7 năm làm việc trong ngành cơ khí ở Đài Loan và nhiều năm đón tết bên này. Mỗi dịp tết đến, không khí chào đón năm mới ngập tràn trên các khu phố, trong mỗi gia đình. Đường sá, các cửa hiệu, nhà ở đều được trang hoàng rất lộng lẫy với đèn lồng, câu đối, đèn led…. Những đồng nghiệp Đài Loan của tôi chuẩn bị đồ đạc, gói ghém hành lý để về nhà đón tết cùng gia đình. Khung cảnh đó luôn khiến những người xa quê như chúng tôi nhớ Việt Nam đến quay quắt.
Công ty tôi có khá đông người Hà Tĩnh, Nghệ An làm việc nên những ngày tết, chúng tôi thường tổ chức gặp mặt, liên hoan, giao lưu văn nghệ. Đó cũng là dịp để chúng tôi thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, cùng hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống nơi đất khách quê người.
Anh Trịnh Thanh Tùng (tỉnh Huambo, Angola): Giáo dục con cái về những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.
Hơn 10 năm rời quê hương Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) sang đất nước Angola làm việc, tôi mới về Việt Nam đón tết một lần. Vào những ngày tết, tôi cùng các thành viên trong cộng đồng người Việt tại tỉnh Huambo tổ chức tiệc đón giao thừa với những món ăn truyền thống như: bánh chưng, giò chả, các loại mứt… Mọi người ăn uống, chuyện trò vui vẻ, chia sẻ những khó khăn trong một năm đã qua và cầu chúc nhau gặp nhiều may mắn trong năm mới. Mặc dù công việc bận rộn nhưng cộng đồng người Việt Nam ở đây đều cùng chung một niềm háo hức tổ chức ăn tết, hướng về gia đình và quê hương.
Con gái tôi sinh ra và lớn lên tại Angola, năm nay cháu đã gần 2 tuổi nhưng chưa được về Việt Nam. Vì thế, tết này, vợ chồng tôi đã chọn mua cho cháu bộ áo dài truyền thống; trang trí nhà cửa bằng những cành đào, cành mai… và chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp để cháu làm quen, cảm nhận dần về tết cổ truyền của dân tộc. Chúng tôi cũng đã bắt đầu dạy con nói những câu đầu tiên bằng tiếng mẹ đẻ, dù cháu còn nhỏ, nhưng tôi tin rằng khi lớn lên cháu không bao giờ quên nguồn cội.
Chị Đặng Thị Thịnh (thành phố Dortmund, CHLB Đức): Khắc khoải nỗi nhớ mong quê nhà.
Tôi đã có 7 năm làm công việc chăm sóc sắc đẹp tại Cộng hòa Liên bang Đức. Từ khi sang đây, chưa một lần có điều kiện về thăm quê nhà – xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) nên mỗi dịp tết đến, tôi lại khắc khoải nhớ không khí nhộn nhịp chuẩn bị tết ở quê. Nhớ những ngày giáp tết được nghỉ học, thức dậy sớm theo mẹ đi chợ tết; nhớ đêm giao thừa cùng gia đình quây quần xem chương trình Táo quân, trò chuyện vui vẻ và chờ đón khoảnh khắc năm mới đến…
Dù không được trọn vẹn như ở Việt Nam nhưng để đón tết ở bên này, chúng tôi cũng cố gắng mua sắm thực phẩm, vật dụng trang trí nhà cửa sao cho thật đủ đầy trong điều kiện có thể, để hướng về quê cha đất tổ, để không khí tết được lan tỏa nơi đất khách, quê người….
Những nhu yếu phẩm chủ yếu, mang đậm phong vị quê nhà đều có thể tìm mua ở khu chợ của người Việt. Ngày 30 tết, tôi thường làm mâm cỗ với những món ăn truyền thống của Việt Nam như: bánh chưng, xôi gà, dưa món… Mâm cỗ được dâng lên, thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cũng là để chúng tôi thỏa nỗi nhớ hương vị tết.
Những ngày tết, tôi thường gọi điện về cho người thân, bạn bè để chúc mừng, để cảm nhận không khí tết ở quê. Dù đón tết có đầy đủ, tươm tất thế nào thì tôi vẫn luôn cảm thấy thiếu vắng vì những thời khắc thiêng liêng không được ở bên cạnh cha mẹ và những người thân yêu.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (tỉnh Chiba, Nhật Bản): Cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc cho mọi người.
Vợ chồng tôi đều cùng quê ở xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh), sang làm việc tại Nhật Bản gần 5 năm. Dù là đất nước ở châu Á, cũng có truyền thống đón tết Nguyên đán, nhưng ngày nay, người Nhật không còn quá coi trọng dịp lễ này như người Việt, thế nên chúng tôi gần như không có kỳ nghỉ tết.
Tôi làm y tá tại một bệnh viện, còn chồng làm trong doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, công việc khá bận rộn nên chúng tôi phải lên kế hoạch cho tết từ vài tháng trước. Tranh thủ thời gian rảnh, ngày nghỉ trong tuần để mua sắm, trang hoàng nhà cửa; tết thì nấu những món ăn ngon và mời bạn bè ghé qua nhà gặp mặt, giao lưu.
Năm qua, kinh tế suy thoái, đồng yen của Nhật giảm mạnh; các trận động đất liên tiếp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của phần lớn người Việt nên mọi người phải thắt chặt chi tiêu hơn. Thế nhưng, ai cũng muốn đón một cái tết đủ đầy, ấm áp.
Một thói quen mà chúng tôi thường duy trì vào sáng mùng 1 tết là đi chùa để cầu an. Nhiều người dân Nhật Bản vẫn còn giữ nét sinh hoạt văn hóa tâm linh này trong dịp tết Nguyên đán. Năm mới, ai cũng cầu mong điều tốt lành, may mắn, bình an đến với bản thân, gia đình và tất cả mọi người. Trong những giây phút tĩnh lặng đó, chúng tôi cũng lắng lòng mình lại, hướng về quê hương, nguồn cội để cầu mong cho gia đình, bạn bè và Tổ quốc một năm mới an lành, tràn đầy hạnh phúc.
Kiều Minh – Anh Thùy
(ghi)