Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, BCĐ Đổi mới và phát triển KTTT tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện phát triển KTTT, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh.
Sáng 20/2, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh họp triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng – Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự. |
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Năm 2023, BCĐ Đổi mới và Phát triển KTTT tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, BCĐ đổi mới và phát triển KTTT các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đổi mới, phát triển KTTT trên địa bàn.
Hà Tĩnh hiện có 2.579 tổ hợp tác, 3 liên hiệp hợp tác xã (HTX) và 1.025 HTX với 73.691 thành viên. Năm 2023, tỉnh thành lập mới 35 HTX, giải thể 27 HTX; toàn tỉnh tăng 5 HTX so với năm 2022. Mặc dù số lượng HTX tăng không nhiều, song các HTX hoạt động ngày càng thực chất, đã xuất hiện mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, tập huấn triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển HTX, vai trò vị trí của HTX trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và thực hiện xây dựng nông thôn mới được quan tâm.
Năm qua, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt 2 HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới giai đoạn 2021-2025; các đơn vị HTX được lựa chọn đề nghị hỗ trợ chính sách ưu đãi với tổng kinh phí 29.100 triệu đồng.
Việc triển khai các nhóm chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương như: chính sách đất đai, chính sách tín dụng, chính sách khoa học – công nghệ… được quan tâm thực hiện và đã đạt kết quả nhất định.
Ông Trần Hữu Khanh – Phó Giám đốc Sở TN&MT: Thời gian qua, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, trong đó có chính sách đất đai và chính sách hỗ trợ các HTX môi trường.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại trong lĩnh vực KTTT như: Quy mô hoạt động HTX nhỏ, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, liên kết lỏng lẻo; trình độ cán bộ quản lý hạn chế; tỷ lệ HTX khá, tốt còn thấp (40,6%), tỷ lệ HTX yếu kém còn cao (23%)…
Bà Hà Thị Việt Ánh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Xuyên: Địa phương hiện có 128 HTX và quỹ tín dụng nhân dân. Bên cạnh kết quả đạt được, các HTX hoạt động còn thiếu bài bản; hoạt động của BCĐ Đổi mới và phát triển KTTT huyện chưa thực sự hiệu quả.
Năm 2024, Hà Tĩnh xác định quan điểm: Phát triển KTTT phải đặt trong kế hoạch phát triển KTTT; chiến lược, kế hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước, của địa phương đã được phê duyệt giai đoạn 2021-2025, Quy hoạch tỉnh, đặc biệt là Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Cùng đó, phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của các thành viên; phải theo đúng các giá trị và nguyên tắc cơ bản của HTX, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Bên cạnh quan tâm phát triển chỉ tiêu số lượng HTX, phải đặc biệt chú trọng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: BCĐ đổi mới và phát triển KTTT các huyện, thị xã, thành phố cần nắm rõ tình hình hoạt động, các khó khăn, vướng mắc của từng HTX; từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện giúp đỡ HTX, KTTT phát triển. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục giao các sở, ngành tham mưu triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, tạo điều kiện cho khu vực KTTT, HTX hấp thụ chính sách, phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế. |
Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu thành lập mới từ 20 – 30 HTX; hoàn thiện kế hoạch triển khai HTX thí điểm theo Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 29/6/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả của địa phương giai đoạn 2021-2025; trên 50% số HTX hoạt động tốt, khá…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng kết luận cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, khẳng định vai trò của khu vực KTTT đối với sự phát triển của nền kinh tế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung cao cho nhiệm vụ đổi mới, phát triển KTTT; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTTT. Theo đó, hoạt động của KTTT, HTX ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.
Tuy vậy, sự quan tâm, nhận thức của các cấp ủy đảng, Nhân dân đối với lĩnh vực KTTT vẫn chưa đầy đủ; công tác đổi mới và phát triển KTTT còn hạn chế, nội tại các HTX còn yếu kém; một số thành viên BCĐ đổi mới và phát triển KTTT cấp tỉnh và một số BCĐ đổi mới và phát triển KTTT huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương, các thành viên BCĐ đổi mới và phát triển KTTT các cấp tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho KTTT phát triển, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.
Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển HTX; tuyên truyền Luật HTX sửa đổi 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024) gắn với xây dựng kế hoạch triển khai.
Triển khai hiệu quả các chính sách tại các nghị quyết đã được HĐND tỉnh ban hành. Các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát lại chính sách và trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, học tập kinh nghiệm từ các tỉnh bạn và thực tiễn tại địa phương để nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh phù hợp các chính sách, để ngày càng nhiều HTX thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao Sở KH&ĐT phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các đơn vị liên quan tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của khu vực KTTT, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Giao các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về KTTT, tập trung tháo gỡ các tồn tại trong KTTT; BCĐ các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại HTX trên địa bàn, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển KTTT…
Thu Phương