Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động vốn, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Chiều 10/1, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Đặng Ngọc Sơn tham dự hội nghị. |
Đại biểu dự hội nghị.
Năm 2023, hoạt động của ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh. Với mạng lưới tổ chức tín dụng rộng lớn và phân bố khắp toàn tỉnh, ngành ngân hàng đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện các giao dịch nhanh chóng, thuận lợi.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tổng nguồn vốn huy động của ngành ngân hàng đến ngày 31/12/2023 đạt 100.482 tỷ đồng, tăng 19,24% so với cuối năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh báo cáo hoạt động năm 2023.
Trong năm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai các chính sách, chỉ đạo của ngành trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt các chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng, hỗ trợ lãi suất. Ngoài chính sách chung, các tổ chức tín dụng cũng đưa ra các chính sách ưu đãi riêng để kích cầu tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất, đẩy mạnh tiêu dùng.
Dư nợ cho vay đến ngày 31/12/2023 đạt 96.050 tỷ đồng, tăng 10,15% so với cuối năm 2022. Doanh số cho vay toàn địa bàn đến ngày 31/12/2023 đạt hơn 184.000 tỷ đồng, tăng 19,89% so với cùng kỳ năm 2022. Nợ xấu nội bảng trong giới hạn cho phép, chiếm 0,71% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát; ngăn ngừa các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin…
Bên cạnh công tác chuyên môn, năm 2023, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh cũng luôn quan tâm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội thiết thực, ý nghĩa với tổng số tiền hơn 164,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tham luận về giải pháp triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.
Năm 2024, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đặt mục tiêu triển khai có hiệu quả giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của ngành tại địa bàn; đẩy mạnh hoạt động huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay vốn có hiệu quả tại địa phương. Mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn tín dụng lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Kết hợp hài hoà giữa mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh của các ngân hàng với việc phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra như: tăng trưởng nguồn vốn huy động từ 14% trở lên so với cuối năm 2023; tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 14% trở lên so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới mức 2%.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà ghi nhận, biểu dương những kết quả tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động ngành ngân hàng đã đạt được trong năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành ngân hàng xây dựng kế hoạch cụ thể để khắc phục các tồn tại, hạn chế, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2024. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động vốn, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát và xử lý nợ xấu; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên cho vay các dự án, chương trình trọng điểm của tỉnh.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách đến khách hàng; kết nối, đối thoại ngân hàng – doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành ngân hàng; chú trọng các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm của tổ chức tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉnh sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện để ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh nói riêng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngọc Loan