Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định, chính quyền Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt tinh thần tạo môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các đại biểu dự hội nghị.
Chiều 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp (DN), doanh nhân năm 2023. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu; lãnh đạo VCCI chi nhánh Nghệ An, các ban, sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan tham dự hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của gần 200 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà biểu dương, ghi nhận và cảm ơn những đóng góp, kết quả đạt được của cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Trong thành tích chung phát triển KT-XH của tỉnh có sự đóng góp vô cùng quan trọng của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà khai mạc hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh rất chia sẻ với những khó khăn hiện nay của DN và hội nghị đối thoại là cơ hội để tỉnh và các sở, ngành, địa phương được trực tiếp lắng nghe kiến nghị, phản ánh, đề xuất của DN, từ đó cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các DN, tổ chức hội DN, các HTX tham gia góp ý, kiến nghị về các giải pháp, chính sách hoặc phản biện về những vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH của tỉnh.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị các DN, yêu cầu các sở, ngành, địa phương trả lời rõ, trọng tâm; làm rõ đầu việc nào giải quyết được thì chỉ ra địa chỉ chịu trách nhiệm giải quyết ngay, đầu việc nào chưa thể giải quyết, phải có lý do xác đáng, chỉ ra chỗ vướng, ai chịu trách nhiệm chính, ai phối hợp để DN, các cơ quan, cá nhân phối hợp cùng chung tay giải quyết.
Khu vực DN đóng góp gần 79% nguồn ngân sách
Đến nay, toàn tỉnh có gần 12.800 DN và đơn vị trực thuộc, trong đó có khoảng 8.660 DN đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 7 tỷ đồng/DN. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 1.039 HTX và hơn 2.942 tổ hợp tác, trên 60.000 hộ kinh doanh (trong đó có 52.430 hộ có đăng ký kinh doanh).
Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới gần 900 DN, tổng vốn đăng ký gần 3.700 tỷ đồng, bằng 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà báo cáo tình hình hoạt động, phát triển DN, HTX và thu hút đầu tư năm 2023.
Tỷ lệ đóng góp của khu vực DN vào nguồn ngân sách chiếm gần 79% tổng thu ngân sách và khoảng 81% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Sự phát triển DN đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng (giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ); giải quyết việc làm cho gần 88.000 lao động.
Trong thời gian qua, cộng đồng DN cũng đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng nông thôn mới, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ phúc lợi, hỗ trợ xây dựng trường học, nhà ở…, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Trong 9 tháng năm 2023, Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án trong nước và 1 dự án nước ngoài với tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.450 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư khoảng 140.000 tỷ đồng và 69 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư khoảng 16,1 tỷ USD.
Đối thoại tại hội nghị, các DN, doanh nhân, HTX đã có nhiều câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực: tài nguyên – môi trường, công nghiệp – thương mại, du lịch, thuế, ngân hàng, đầu tư, xây dựng – giao thông, nông nghiệp – thủy lợi…
Ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: Đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp tập trung giải quyết các khó khăn, vướng cho DN; xem xét ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ, khuyến khích cho DN phát triển bền vững.
Các vấn đề cụ thể được DN quan tâm như: giải pháp đảm bảo nguồn cung của vật liệu đất đắp và cát để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo tiến độ thi công cho nhiều công trình trọng điểm trong tỉnh từ nay cho đến 2025; xem xét, điều chỉnh đơn giá nhân công phù hợp với giá thực tế thị trường; giải quyết những tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng nhằm thu hút khách du lịch về với Hà Tĩnh…
Tạo điều kiện hỗ trợ tối đa trong công tác bồi thường GPMB để các dự án đảm bảo tiến độ yêu cầu; bố trí quỹ đất cho các dự án điện trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch sử dụng đất hằng năm và công bố công khai; có chính sách hỗ trợ tín dụng đối với một số ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Hồ Sỹ Huy Thảo – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco đề xuất có chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.
Các DN cũng kiến nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mức giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; hỗ trợ kinh phí nâng cấp hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao; ngành ngân hàng tiếp tục nghiên cứu để giảm lãi vay và có nhiều sản phẩm dịch vụ phục vụ DN đáp ứng với từng loại hình DN.
Xoay quanh những đề xuất, kiến nghị của các DN, đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng đã trả lời, giải đáp từng trường hợp cụ thể, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, HTX.
Thực hiện hiệu quả các nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: “Buổi đối thoại hôm nay đã nghe 8 ý kiến của các DN và nội dung tiếp thu, trả lời của các sở, ngành, địa phương. Thay mặt lãnh đạo, tôi xin ghi nhận và trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các DN, doanh nhân.”
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận hội nghị.
Chủ tịch UBND khẳng định: tỉnh tiếp tục quán triệt tinh thần tạo môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, đồng hành cùng DN. Thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về phục hồi KT-XH, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, phát triển DN.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật. Làm tốt công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch ngành, đất đai, xây dựng, đô thị, NTM…
Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư lớn, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; huy động các nguồn lực cho tăng trưởng phát triển kinh tế, chuyển đổi số, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trò chuyện với các doanh nhân bên lề hội nghị.
Về phía các DN, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần nắm bắt cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh; có chiến lược, kế hoạch đầu tư kinh doanh, quản trị doanh nghiệp để phát triển bền vững. Tăng cường năng lực kết nối giữa các doanh nghiệp của tỉnh với nhà đầu tư, dự án trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là phát triển doanh nghiệp vệ tinh cho công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ.
Sản xuất kinh doanh tuân thủ pháp luật; đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển; bảo đảm quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đồng hành cùng với địa phương trong phục hồi, phát triển kinh tế; nêu cao tinh thần trách nhiệm cộng đồng, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các hội, Hiệp hội DN tỉnh phát huy hơn nữa vai trò của hội, quan tâm lợi ích của cộng đồng DN; là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước; là chỗ dựa vững chắc, tiếng nói chung của cộng đồng DN.
Ngọc Loan – Phan Trâm