Đến đầu tháng 9/2023, dư nợ của ngành ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt 89.560 tỷ đồng, tăng khoảng 2,71% so với cuối năm 2022. So với mục tiêu mà ngành đã đặt ra năm 2023 là tăng trưởng tín dụng từ 14 – 16% thì con số này còn quá khiêm tốn.
Ngân hàng khó phát sinh nợ mới
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng như: đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn; tính toán để giảm lãi suất cho vay, nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế… song tín dụng trên địa bàn vẫn có xu hướng tăng trưởng chậm.
Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh hiện khó phát triển tín dụng đối với khách hàng cá nhân.
Tại Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh, việc tăng trưởng dư nợ hiện nay, nhất là dư nợ khách hàng cá nhân cũng là “bài toán khó”. Được biết, tổng dư nợ toàn chi nhánh đến nay đạt 13.160 tỷ đồng, trong đó dư nợ khách hàng cá nhân đạt 5.600 tỷ đồng (giảm khoảng 300 tỷ đồng so với đầu năm).
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh, do tác động của suy thoái kinh tế nên sức hấp thụ vốn của khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân rất khiêm tốn. Mặc dù đơn vị đã chú trọng hỗ trợ khách hàng bằng cách giảm lãi suất (lãi suất vay mới hiện nay chỉ từ 6 – 8%/năm đối với sản xuất, kinh doanh và 8 – 8,5%/năm đối với tiêu dùng) song nhu cầu vay ít nên việc phát triển khách hàng mới vẫn khó. Theo tìm hiểu, hiện nay, nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân giảm. Đối với sản xuất, kinh doanh thì người dân đang phải chịu tác động khó khăn chung của suy thoái kinh tế nên khó mở rộng quy mô hoạt động. Còn về tiêu dùng thì do thu nhập từ người dân giảm so với các năm nên nhu cầu vay vốn mua xe, làm nhà… giảm mạnh.
Tại ACB Chi nhánh Hà Tĩnh, dư nợ đến đầu tháng 8/2023 đạt trên 3.153 tỷ đồng, giảm 1,98% so với cuối năm 2022. Phân tích nguyên nhân chậm trễ trong phát triển tín dụng, đại diện chi nhánh cho rằng: Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thể phục hồi sản xuất, kinh doanh, nay lại tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, dẫn đến sức hấp thụ vốn rất kém.
Khách hàng đến giao dịch tại ACB Chi nhánh Hà Tĩnh.
Được biết, hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Tĩnh như: SHB, SeaBank, MSB, Techcombank… cũng rất khó phát sinh dư nợ mới, thậm chí không ít đơn vị dư nợ liên tục sụt giảm mạnh trong nhiều tháng qua.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, đến đầu tháng 9/2023, dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 89.560 tỷ đồng, tăng khoảng 2,71% so với cuối năm 2022. Nếu không có những giải pháp căn cơ từ nhiều phía thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 14 – 16% so với cuối năm 2022 mà ngành ngân hàng Hà Tĩnh đặt ra sẽ rất khó đạt.
Hấp thụ dòng vốn ngân hàng của nền kinh tế kém
Thực tiễn cho thấy, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Từ đầu năm lại nay, NHNN Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 – 2%/năm. Cùng đó, NHNN Việt Nam cũng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức 4%/năm.
Theo thống kê, đến nay, lãi suất cho vay được các ngân hàng thương mại giảm khá mạnh, nhiều doanh nghiệp được ngân hàng chủ động giảm từ 2 – 3%/năm so với mức lãi suất cũ. Ngoài ra, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho những đối tượng khách hàng, lĩnh vực nhất định… Tuy nhiên, trên thực tế, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đã giảm từ 2 – 3% so với giai đoạn đầu năm.
Thời điểm này, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh cũng đang đối mặt nhiều thách thức như: đơn hàng sụt giảm, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng… nên nhu cầu vay vốn bị chững lại.
Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Cụm công nghiệp Đức Thọ) chuyên sản xuất và xuất khẩu bao bì đi các thị trường Philippines, Singapore, Đài Loan, New Zealand… Theo đại diện doanh nghiệp, khó khăn hiện nay mà doanh nghiệp đối mặt là đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp dẫn đến doanh thu giảm so với cùng kỳ. Khi sản xuất, kinh doanh “ảm đạm” thì nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ cầm chừng hơn so với các giai đoạn trước đó.
Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) nhiều năm nay chuyên nuôi lợn thương phẩm theo hình thức tự chủ quy mô lớn. Tuy nhiên, thời gian dài phải chịu ảnh hưởng của giá lợn hơi thấp, giá thức ăn và chi phí phòng dịch “leo thang” nên tháng 7 vừa qua, HTX đã quyết định cho doanh nghiệp thuê lại hạ tầng trang trại và chỉ tham gia nuôi gia công.
Ông Trương Xuân Bính – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho hay: “Trước đây, nuôi tự chủ nên luôn cần nguồn vốn lớn để phục vụ đầu tư, có thời điểm chúng tôi vay ngân hàng đến hàng chục tỷ đồng. Còn hiện nay, HTX chuyển sang nuôi gia công, chỉ cần đầu tư sửa chữa lại chuồng trại nên chúng tôi gần như không có nhu cầu vay vốn”.
HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc đã chuyển từ chăn nuôi tự chủ sang nuôi gia công nên nhu cầu vay vốn ngân hàng đầu tư giảm mạnh.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu trước bối cảnh thị trường khó khăn. Vì thế, dù mặt bằng lãi suất có giảm mạnh thì tín dụng cũng khó có thể tăng đột biến. Điều này đặt ra vấn đề, bên cạnh động thái giảm lãi suất của ngành ngân hàng thì các sở, ngành, địa phương và Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cần phải vào cuộc, sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp, HTX thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế gợi mở, trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu. Cùng đó, tăng cường các giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tăng cầu nội địa về hàng hóa, tiếp tục thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… nhằm tạo đà tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong nước và “khơi thông” dòng vốn tín dụng.
Thảo Hiền