Tìm sách cho trò là một trong những việc các thầy cô giáo vùng lũ phải lo trong những ngày qua. Đây cũng là mối quan tâm của nhiều nhóm từ thiện.
Làm sao để học sinh vùng bị bão lũ có sách giáo khoa trở lại trường là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người trong những ngày qua.
Đừng gây nhiễu thông tin
Cộng đồng mạng đang bàn về “sự phức tạp” hơn so với trước kia khi quyên góp và tặng sách giáo khoa cho học sinh vùng bão lũ.
Hiện có nhiều sách giáo khoa do các đơn vị khác nhau biên soạn, phát hành. Việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng cũng do nhu cầu của mỗi nhà trường. Ngay trong một trường học có thể sử dụng sách giáo khoa của các đơn vị khác nhau.
Trong một khối lớp có thể môn toán sử dụng sách của nơi này, môn tiếng Việt sử dụng sách của nơi khác. Học sinh các lớp 5, lớp 9, lớp 12 thì còn không sử dụng lại được sách cũ mà phải mua mới hoàn toàn.
Thực tế này khiến nhiều nhóm cứu trợ khá bối rối trong việc vận động quyên góp sách giáo khoa đúng với nhu cầu của mỗi nhà trường.
Nếu không phân loại, và đáp ứng đúng nhu cầu mà cứ gom sách giáo khoa đóng thùng gửi đi như trước đây thì sẽ xảy ra tình trạng thừa những sách giáo khoa không dùng đến và có thể vẫn thiếu sách giáo khoa học sinh cần.
Những bức ảnh của học sinh bị ướt, hỏng sách giáo khoa từ mùa bão lũ nhiều năm trước đây lại được một vài người dẫn lại trên mạng xã hội để nói về “cái khó” trong việc chọn đúng sách giáo khoa để đi tặng học trò vùng bão lũ năm nay.
Trên mạng xã hội, hay trong các nhóm thiện nguyện, lại có thêm nhiều ý kiến “đòi” thống nhất một bộ sách giáo khoa để không gây khó cho việc tặng sách giáo khoa(?!). Việc đưa thông tin, hình ảnh chưa chuẩn kiểu này cũng làm rối thêm cho việc quyên góp để tặng sách giáo khoa cho học trò vùng lũ.
Quyên góp sách giáo khoa có khó không?
Năm 2020, đúng vào năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bắc miền Trung lụt nặng. Rất nhiều học sinh ở Hà Tĩnh bị mất toàn bộ sách giáo khoa. Năm đó, lớp 1 bắt đầu học chương trình mới. Để có sách giáo khoa cho học sinh học, không thể dùng sách cũ mà phải đặt mua mới.
Chị Vy, đại diện một nhóm thiện nguyện, kể lại chị đã liên hệ với phòng GD-ĐT hai huyện của Hà Tĩnh và ngay trong ngày, chị nhận được thống kê số đầu sách giáo khoa mới theo từng môn của lớp 1 cần cấp lại.
Nhóm chị Vy liên hệ ngay với đơn vị xuất bản. Có một số sách giáo khoa còn tồn kho, một số đã hết nhưng đơn vị này cũng quyết định nhanh chóng in bổ sung số còn thiếu, đồng thời cấp xe và cử người chuyên chở sách giáo khoa giao tận nơi giúp nhóm chị Vy. Tất cả chỉ trong 3 – 4 ngày.
Lần này khi học sinh nhiều tỉnh phía Bắc thiếu sách giáo khoa do bão lũ, nhóm chị Vy cũng tính sẽ thực hiện như lần hỗ trợ Hà Tĩnh. Sau một ngày gọi đi các nơi chị cho biết: các tỉnh miền núi phía Bắc phản ứng rất nhanh và họ cũng tiếp nhận rất nhiều nguồn cứu trợ khác nhau.
Thực sự là không khó khăn phức tạp nếu các trường cung cấp nhanh con số thống kê đầu sách giáo khoa theo môn và theo loại (đơn vị xuất bản). Các đội thiện nguyện căn cứ vào thống kê đó để vận động theo đúng loại sách giáo khoa hoặc liên lạc với đơn vị xuất bản để đặt mua mới.
“Nếu ai gửi sách giáo khoa gì cũng nhận, rồi chuyển đến các nơi bị bão lũ thì vừa tốn công chuyên chở, tốn sức phân loại. Cách làm như vậy sẽ khiến cho công việc khó khăn, phức tạp hơn. Nhưng nếu có sự kết nối cụ thể, quyên góp đúng nhu cầu thì sẽ hiệu quả”, chị Vy cho biết.
Tôi liên hệ một nhóm thiện nguyện chỉ quyên góp sách giáo khoa cũ ở Hưng Yên. Chị Hằng, một thành viên nhóm, cho biết: “Cách bọn mình làm là liên hệ với phòng giáo dục và các trường bị ảnh hưởng nặng để xin danh mục sách giáo khoa họ cần.
Dựa vào đó, bọn mình mới kêu gọi quyên góp. Khi nhận được sách giáo khoa, nhóm phân loại theo đầu sách, loại sách của mỗi lớp rồi gửi đi đúng danh mục các trường cần. Cách làm này không lãng phí, trao đúng thứ cho người cần”.
Người quen của tôi, hiệu trưởng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết trường đang giúp một trường kết nghĩa ở Yên Bái mua lại sách giáo khoa cho học sinh lớp 5. Trường đó sử dụng cả sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều.
Theo danh mục trường gửi, chúng tôi báo cho Công ty Sách và thiết bị trường học, họ cung cấp theo yêu cầu. Mọi việc thực hiện qua điện thoại, email và chuyển khoản chứ chúng tôi không phải mua từ Hà Nội mang lên.
Cô Bùi Thị Ngọc, phó hiệu trưởng Trường THCS Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) – nơi bị ngập nước rất nặng, cho biết: “Trường có khoảng 100 học sinh hỏng, mất sách giáo khoa. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm liên lạc với gia đình học sinh, nắm tình hình thiệt hại và mất sách vở, đồ dùng học tập.
Ngay trong ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi có bản tổng hợp nhu cầu cấp lại sách giáo khoa và gửi cho tổ chức cứu trợ. Buổi đầu tiên học sinh đi học lại sau lũ, chúng tôi đã có sách giáo khoa phát lại cho học sinh rồi”.
41.564 bộ sách giáo khoa bị mất, hỏng trong bão lũ
Theo con số thống kê gần nhất từ Bộ GD-ĐT có khoảng 41.564 bộ sách giáo khoa bị mất, hỏng trong trận bão và mưa lũ trải rộng ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, ở bậc tiểu học thiệt hại khoảng gần 24.000, THCS khoảng gần 10.600 và THPT khoảng hơn 7.000 bộ sách giáo khoa. Riêng tỉnh Yên Bái thống kê thiệt hại hơn 35.000 bộ sách giáo khoa, trị giá trên 11,5 tỉ đồng.
Tính tới thời điểm này, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (đơn vị biên soạn và phát hành hai bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo) đã tặng học sinh vùng lũ 2.000 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và chuẩn bị thêm 3.000 bộ nữa để tặng.
Nhà xuất bản này đã huy động toàn bộ sách giáo khoa dự phòng gồm 8 triệu bản và tổ chức in bổ sung 10 triệu bản mới để đảm bảo nguồn sách cung cấp bổ sung.
Công ty VEPIC (đơn vị phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức biên soạn, phát hành bộ sách giáo khoa Cánh diều) huy động số sách tồn kho là 4,5 triệu bản và in thêm 500.000 bản.
Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố giảm 10% giá bìa đối với số sách giáo khoa cung cấp bổ sung cho học sinh vùng bị thiệt hại do bão lũ.Vĩnh Hà
Đâu đó chắc vẫn có những trường, học sinh còn gặp khó khăn mà chưa tìm được sự trợ giúp. Có nhiều người muốn giúp mà lúng túng vì thấy phức tạp. Nhưng rõ ràng câu chuyện của người “cho đi” và người “nhận về” như trên cho thấy, việc quyên góp sách giáo khoa cho học sinh không quá khó.
Cuối cùng vẫn phải là ta đã đặt ưu tiên vào “người cần cứu trợ” chưa hay mới chỉ nghĩ “đi cứu trợ thế nào cho dễ dàng, thuận lợi”?
Vì sao phải thay sách mới và dùng nhiều bộ sách khác nhau?
Việc thay sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) bắt đầu từ năm học 2020 – 2021. Đến năm học này, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đều học sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa – tài liệu chính để dạy học cũng phải thay đổi.
Tuy nhiên, chỉ những lớp nào thực hiện năm đầu tiên thì mới thay sách mới. Học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 (năm học 2024 – 2025), khóa đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên các lớp này không dùng lại sách giáo khoa cũ.
Chương trình giáo dục mới là chương trình mở, đề cao tính chủ động, linh hoạt và sáng tạo của cả thầy và trò trong việc dạy học. Chương trình và yêu cầu cần đạt của chương trình được thống nhất trên cả nước, nhưng tài liệu dạy học, sách giáo khoa được mở rộng hơn, tùy theo lựa chọn của các nhà trường và thầy cô giáo.
Khi thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa cũng không còn độc quyền do một doanh nghiệp nhà nước biên soạn xuất bản.
Vì gặp khó một chút khi quyên góp sách giáo khoa cho trẻ vùng lũ mà cho rằng phải quay về thời “một bộ sách giáo khoa” là suy nghĩ cảm tính. Việc cứu trợ là việc cấp bách, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, nhưng khi ta có tấm lòng thì có rất nhiều cách để giúp đỡ đồng bào và học sinh.