Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Để xẩy ra các vụ tai nạn không chỉ các đơn vị, doanh nghiệp mà ngay cả người lao động vẫn hết sức chủ quan, coi thường tính mạng của chính bản thân mình trong quá trình lao động.
Những giàn giáo được dựng rất đơn giản, không có lưới bảo vệ. Đó là thực trạng tại một số công trình đang được xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh. Bản thân những người thợ cũng không được trang bị bất kì dụng cụ bảo hộ lao động nào.
Công trình không có lưới bảo vệ
Còn đối với nhiều đơn vị, doanh nghiệp thì chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động như: đăng ký, kiểm định các loại máy móc, thiết bị, tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động… Thậm chí, việc ký kết hợp động và đóng nộp các khoản bảo hiểm cho người lao động cũng không được nhiều chủ sở hữu lao động thực hiện.
Người lao động không trang bị bảo hộ, làm việc chông chênh giữa muôn vàn nguy hiểm
Rõ ràng, đây là điều đáng trăn trở, bởi lợi nhuận thì doanh nghiệp hưởng, còn nỗi đau sau mỗi vụ tai nạn, tử nạn thì người lao động và gia đình lại phải hứng chịu.
Điều đáng nói, trong khi cả người lao động và chủ sở hữu lao động đang phớt lờ các quy định, thì các cơ quan chức năng lại đang tập trung nhiều hơn vào việc tìm nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm khi tai nạn đã xảy ra. Còn việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm thì vẫn còn chưa sâu sát, quyết liệt.
Tai nạn lao động luôn rình rập, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ thì người lao động phải đánh đổi cả tính mạng, và để lại sau lưng biết bao nỗi đớn đau cho người thân. Vì vậy, đảm bảo an toàn lao động không chỉ đơn thuần là những khẩu hiệu suông, mà phải được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực để giảm thiểu các vụ việc đau lòng như đã xảy ra thời gian qua./.
Trọng Thái, Lê Vinh/HTTV