Khi những cành đào vừa hé nụ, từng chồi non tơ thức dậy, ấy là khi xuân đã về, mang sức sống đến cho đất trời và vạn vật. Màu hoa xuân hòa cùng màu cờ đỏ thắm tươi trải khắp non sông. Với người Việt Nam, ý niệm về mùa xuân luôn gắn liền với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mặt trời trong đêm tối
Giở lại từng trang sử đau thương của dân tộc những năm đầu thế kỷ XX mới thấy hết công lao to lớn, vĩ đại của Đảng với dân tộc. Nước mất, nhà tan, chế độ thực dân, phong kiến như 2 gọng kìm đè nặng lên đất nước, người dân nô lệ, đói rét, lầm than khổ cực, đúng như trong những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Ôi nhớ những năm nào, thuở trước
Xóm làng ta xơ xác héo hon
Nửa đêm thuế thúc trống dồn
Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hồng Kông do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì ngày 3/2/1930. Tranh của họa sĩ Phan Kế An (từ Internet)
Nỗi đau mất nước, lòng thương dân sâu sắc đã khiến bao anh hùng, chí sĩ, trí thức yêu nước loay hoay đi tìm đường cứu nước. Nhưng mọi phong trào đấu tranh đều thất bại vì chưa có một chính đảng đủ sức lãnh đạo, tập hợp quần chúng, vạch ra đường lối đấu tranh đúng đắn. Chỉ đến mùa hè năm 1920, khi người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang ở Pháp tiếp cận được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin đăng trên Báo Nhân đạo (L’Humanité), con đường sáng mới mở ra cho dân tộc.
Luận cương của Lê-nin nhấn mạnh nhiệm vụ của các đảng cộng sản phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa; đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng lao động của tất cả các dân tộc chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến. Tư tưởng đó đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập dân tộc, tự do cho đồng bào. Người đã “rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao”. Sau thời gian hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô và đặt chân đến Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 11/1924 để xây dựng phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam, tiến tới thành lập chính đảng vô sản của giai cấp công nhân. Tháng 6/1925, Người đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên – tổ chức cộng sản đầu tiên của nước ta.
Một dấu mốc vô cùng quan trọng đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và với toàn thể Nhân dân Việt Nam: Từ ngày 3-7/2/1930, tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Hội nghị đã nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản Đảng thành một đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chính cương, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3/2/1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử như Đại hội thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân của nước ta trong những năm đầu của thế kỷ XX; là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng tiên phong, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Đảng ra đời như ngọn đuốc soi đường trong đêm tối, mở ra triển vọng về nền độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho Nhân dân. Dẫu chặng đường đi còn chông gai bão tố, nhưng phía chân trời, bình minh đã ló rạng.
Nếu chậm mùa xuân ấy, em ơi!
Từ vô vọng, mênh mông, đêm tối
Người đã đến, chói chang nắng dội
Trong lòng tôi, ôi Đảng thân yêu
Sống lại rồi, hạnh phúc biết bao nhiêu!
Cảm xúc của người thanh niên yêu nước Tố Hữu khi gặp ánh sáng soi đường của Đảng vào mùa xuân năm ấy cũng là tâm trạng, là cảm xúc chung của các chiến sĩ cộng sản và người dân yêu nước khi tìm thấy chân lý, khi có tổ chức cách mạng có thể cứu nguy cho cả dân tộc và cho số phận mỗi con người.
Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng
94 năm kể từ ngày thành lập, Đảng đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của cả dân tộc. Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước sau “30 năm ấy chân không mỏi”. Người đã sống tại hang Pác Bó – Cao Bằng lãnh đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến gần 100 năm đè nặng lên đất nước.
Bác Hồ về nước sau “30 năm ấy chân không mỏi”. Ảnh tư liệu chụp tranh của họa sĩ Trịnh Phòng (từ Internet)
94 năm qua, một chặng đường dài lãnh đạo toàn dân giành chính quyền, giữ chính quyền, bảo vệ nền độc lập vô cùng quý giá của dân tộc, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh phẩm chất, vai trò cầm quyền của mình. Đảng đã dẫn dắt, hội tụ và nhân lên sức mạnh toàn dân tộc.
Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng
Tấm lòng son chói sáng nghìn thu
Mặt trời có lúc mây mù
Trái tim ta vẫn đỏ bầu máu tươi
Để đất nước ta hôm nay độc lập tự do, đàng hoàng to đẹp, Nhân dân mọi miền đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hàng triệu anh hùng, chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước, các vị lãnh đạo tiền bối kiên trung của Đảng đã chịu đựng gian khổ, xiềng xích tù đày, tra tấn dã man và phải ra pháp trường nhưng tất cả vẫn vẹn nguyên tấm lòng trung thành với Đảng, chí khí chiến đấu chống kẻ thù không lay chuyển, tinh thần lạc quan cách mạng như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Tô Hiệu, Trường Chinh, Xuân Thủy, Lê Văn Lương, Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng… Mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi tấc đất, ngọn cỏ trên đất nước này đều thấm máu, mồ hôi của triệu triệu cán bộ, đảng viên và những người yêu nước có “tấm lòng son chói sáng nghìn thu”, coi sinh mệnh của Đảng, sinh mệnh của dân tộc hơn sinh mệnh của mình.
Trước ngưỡng cửa xuân Giáp Thìn, bồi hồi ôn lại chặng đường tự hào và vinh quang của Đảng, càng thêm trân quý những gì mà đất nước ta đã có được hôm nay. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Khép lại năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình thế giới có nhiều diễn biến bất thường, phức tạp, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật. Tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao khu vực và thế giới. Chính trị ổn định. Đời sống người dân ngày càng đổi mới theo hướng giàu mạnh, văn minh. Đặc biệt, công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả của Đảng càng vun dày thêm lòng tin yêu của dân với Đảng. Mặc cho “mặt trời có lúc mây mù” nhưng đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Trái tim ta vẫn đỏ dòng máu tươi”. Lòng dân tin yêu Đảng, tin yêu Bác Hồ vững chắc như núi không dễ gì lay chuyển.
Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm, nỗ lực đưa Hà Tĩnh đi lên, giàu mạnh và phát triển…
Ngày mới thanh tân đang gõ cửa từng ngôi nhà, gõ cửa mỗi tâm hồn. Trên mảnh đất Lam Hồng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đón xuân mới Giáp Thìn trong muôn màu hoa lá và hương vị tết cổ truyền dân tộc, lòng dân Hà Tĩnh càng thêm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và các vị lãnh tụ của Đảng là những người con quê hương: Trần Phú, Hà Huy Tập; những người anh hùng trên mảnh đất Hồng La như: Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót, Võ Triều Chung, Võ Thị Tần…
Dòng máu Xô viết anh hùng chảy trong trái tim, biến thành hành động cách mạng để Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng cả nước hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc và hôm nay quyết tâm nỗ lực đưa Hà Tĩnh đi lên, giàu mạnh và phát triển. Dẫu chặng đường đi còn lắm gian nan nhưng khi toàn Đảng, toàn dân đã tin tưởng, chung sức đồng lòng, chắc chắn chúng ta sẽ về tới đích: làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như mong muốn thiết tha của Bác Hồ kính yêu.
Bùi Minh Huệ