Qua tài liệu lưu trữ, lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Hà Tĩnh đã được phổ biến đầy sinh động, ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống cho hơn 2.100 cán bộ, viên chức và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
Video: Trích đoạn phim tài liệu “190 năm Hà Tĩnh – một hành trình lịch sử”.
Đầu tháng 8/2023 vừa qua, gần 200 đại biểu là cán bộ làm công tác thống kê, văn thư lưu trữ trên địa bàn Can Lộc đã được theo dõi triển lãm 3D trực tuyến “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”; lịch sử hình thành và phát triển của UBND huyện Can Lộc và tài liệu lưu trữ của UBND huyện Can Lộc.
Gần 200 đại biểu huyện Can Lộc theo dõi triển lãm.
Triển lãm 3D trực tuyến “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” là sự kết hợp hơn 130 tài liệu, tư liệu và hình ảnh từ các trung tâm lưu trữ quốc gia và từ Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.
Bằng cách tham quan trên nền tảng internet với địa chỉ “trienlam.hatinh.gov.vn” vùng đất Hà Tĩnh được tái hiện qua 4 phần: Sự hình thành vùng đất Hà Tĩnh: 1831 – 1885; Hà Tĩnh trong phong trào giải phóng dân tộc: 1885 – 1945; Hà Tĩnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: 1945 – 1975; Hà Tĩnh tự hào phát triển (1976 đến nay). Bên cạnh đó, tại buổi tuyên truyền, các đại biểu cũng được tìm hiểu khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Hà Tĩnh qua phim tài liệu “190 năm Hà Tĩnh – một hành trình lịch sử”.
Anh Nguyễn Doãn Bính – cán bộ văn phòng thống kê xã Tùng Lộc (Can Lộc) chia sẻ: “Các tài liệu, tư liệu, hình ảnh triển lãm 3D đã tái hiện rõ quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Hà Tĩnh, các sự kiện và nhân vật lịch sử nổi bật; sự thay đổi địa giới hành chính, tên gọi của tỉnh Hà Tĩnh. Cách tuyên truyền, giới thiệu bằng triển lãm 3D khiến người xem hào hứng và lôi cuốn hơn rất nhiều. Qua đây, chúng tôi cũng nắm bắt và ghi nhớ thêm nhiều mốc lịch sử quan trọng của tỉnh và của huyện nhà; đồng thời, biết cách khai thác thông tin, tài liệu qua tài liệu lưu trữ”.
Học sinh trường THPT Nghi Xuân giao lưu các câu hỏi kiến thức lịch sử địa phương.
Không chỉ tuyên truyền các thông tin lịch sử đến cán bộ, công chức, nội dung này cũng được Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh triển khai đến nhiều trường THPT trên địa bàn.
Em Dương Thị Phương Trang, lớp 10A3 – Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Theo dõi triển lãm, chúng em không chỉ cung cấp những kiến thức bổ ích về lịch sử phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, những đóng góp hy sinh của thế hệ đi trước mà còn tiếp thêm niềm tự hào về mảnh đất và con người quê hương. Từ đó nhận thức vai trò của bản thân, cần phấn đấu, cống hiến hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương, viết tiếp truyền thống vẻ vang của ông cha. Đây thực sự là một tiết học lịch sử lý thú, đầy ý nghĩa”.
Học sinh trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu theo dõi giới thiệu triển lãm.
Từ tháng 6/2023 đến nay, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Hà Tĩnh qua tài liệu lưu trữ tại 13 huyện, thành phố, thị xã và 7 trường THPT cho hơn 2.100 cán bộ công chức, viên chức và học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Thông qua triển lãm đã giúp cho công chúng hiểu rõ về chặng đường lịch sử vẻ vang 190 năm thành lập, xây dựng và phát triển của vùng đất Hà Tĩnh. Ngoài ra, với mỗi địa phương nơi diễn ra triển lãm, các đại biểu và các em học sinh còn được tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển quê hương mình; giới thiệu các loại hình tài liệu lưu trữ quý hiếm của Hà Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Cán bộ Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tuyên truyền, giới thiệu cho cán bộ huyện Hương Sơn về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Hà Tĩnh qua tài liệu lưu trữ.
Bà Nguyễn Thị Thái Hòa – Trưởng phòng Thu thập – Chỉnh lý (Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh) cho biết: “Giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Hà Tĩnh không chỉ là dịp đưa kiến thức lịch sử đến với người dân, tôn vinh các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa và cách mạng của con người Hà Tĩnh mà qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp quê hương. Đặc biệt, những buổi tuyên truyền cũng góp phần lan tỏa rộng rãi tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh, phát huy hiệu quả giá trị tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai các nội dung trong chương trình công bố tài liệu lưu trữ tỉnh Hà Tĩnh theo Quyết định số 2541/QĐ-UBND ngày 14/12/2022như: viết bài giới thiệu, công bố tài liệu lưu trữ gắn với các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm trên cổng thông tin điện tử của trung tâm; xây dựng phim tài liệu Hà Tĩnh dưới thời kỳ phong kiến; phối hợp các đơn vị trưng bày, giới thiệu nhân kỷ niệm thành lập”.
Hà Linh