Trám đen vốn được coi là “đặc sản” của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và đưa lại thu nhập khá cao cho người dân. Tuy nhiên, năm nay do nhiều yếu tố tác động khiến sản lượng trám đen giảm mạnh, người trồng kém vui.
Do các vườn trồng giảm sản lượng, việc thu mua của chị Thu Thủy cũng bị ảnh hưởng.
Xã Kim Hoa là địa phương có số lượng cây trám đen nhiều nhất ở huyện Hương Sơn với trên 400 gốc, phân bố ở 20 thôn. Trong đó, nhiều nhất là ở các thôn: Châu Lâm, Hồng Thủy, Trung Hoa, Hội Sơn. Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch nhưng theo bà con, năm nay sản lượng giảm mạnh so với năm 2022.
Vườn trám của gia đình ông Nguyễn Dương Bá (78 tuổi, trú thôn Hội Sơn, xã Kim Hoa) có 5 cây vừa mới thu hoạch xong. Ông Bá cho hay: “Năm ngoái thu nhập từ 5 cây trám được gần 10 triệu đồng, năm nay chỉ được 4 triệu đồng. Vì thời tiết bất thuận, đối với người trồng trám thì vụ thu hoạch này coi như thua”.
Theo chị Phan Thị Thanh Thủy (46 tuổi, trú thôn Kim Lộc, xã Kim Hoa) – người có thâm niên hơn 20 năm chuyên thu mua trám đen, ngoài nhà ông Bá, ở Kim Hoa, những vườn trám lớn như nhà bà Cúc (thôn Cao Trà), chị Thu (thôn Xuân Thủy) sản lượng đều giảm mạnh, chỉ đạt 50-70% so với năm ngoái.
“Dù sản lượng giảm nhưng giá không tăng nhiều so với trước. Giá bình quân năm 2022 là 70.000 đồng/kg, năm nay “nhích lên” hơn 80.000 đồng/kg. Cơ sở của tôi năm ngoái thu mua từ 100 cây trám với giá gần 400 triệu đồng, năm nay cũng với số lượng cây đó chỉ được khoảng 250 triệu đồng vì sản lượng giảm” – chị Thủy cho biết thêm.
Xã Kim Hoa là địa phương có số lượng cây trám đen nhiều nhất ở huyện Hương Sơn với trên 400 gốc.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân mất mùa là do đầu năm khi trám ra hoa gặp phải sương muối, hoa rụng nhiều nên đậu quả ít. Hơn nữa, năm nay nắng nóng gay gắt, kéo dài cũng ảnh hưởng nhiều đến sản lượng trám.
Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Phan Văn Đoài cho biết: “Toàn xã có 400 cây cho thu hoạch quả. Năm 2022, sản lượng thu hoạch đạt hơn 80 tấn tương đương hơn 5,5 tỷ đồng, năm nay dù đã bước vào cao điểm thu hoạch nhưng ước tính toàn xã chỉ thu được khoảng 50 tấn, bán được gần 4 tỷ đồng”.
Ngoài ảnh hưởng thời tiết bất lợi, nhiều quả trám còn bị hỏng.
Không nhiều như Kim Hoa nhưng Sơn Ninh cũng được coi là “vùng đất trám” khi đang sở hữu 185 cây. Thu hoạch từ trám đen ở Sơn Ninh năm nay chỉ còn khoảng 65 – 70% so với năm 2022.
“Trám đen dù cho hiệu quả kinh tế cao nhưng không ổn định, năm ngoái trám được mùa, năm nay lại mất mùa. Cây trám đen chỉ cho thu hoạch mỗi năm 1 vụ. Nhà tôi có 3 cây trám, năm được mùa thì thu nhập từ 18 – 20 triệu đồng nhưng năm nay chỉ được khoảng hơn 10 triệu đồng” – ông Nguyễn Văn Sự (52 tuổi, trú thôn Kim Sơn, xã Sơn Ninh) cho biết.
Chị Đặng Thị Khánh Ly (bên phải) thu mua trám tại hộ ông Nguyễn Văn Sự ở thôn Kim Sơn, xã Sơn Ninh.
Chị Đặng Thị Khánh Ly – chủ cơ sở trám đen Hùng Lý (sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2021) ở thôn Trà Sơn, xã Sơn Ninh cho biết: “Năm nào vợ chồng tôi cũng thuê người đến các vườn trám của xã để thu mua nguyên liệu chế biến sản phẩm. Vụ này, lượng trám thu hoạch chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2022 nên ảnh hưởng đến việc sản xuất của cơ sở. Hiện nay, đơn đặt hàng trám muối, trám sấy khô khá nhiều nhưng tôi sợ không đủ nguồn nguyên liệu”.
Chủ tịch UBND xã Sơn Ninh Nguyễn Xuân Huy thông tin: Trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi. Trám đen được xem là sản phẩm hàng hóa “đặc sản” nên xã khuyến khích các hộ mở rộng diện tích. Năm 2022, sản lượng toàn xã đạt xấp xỉ 20 tấn, thu nhập gần 1,4 tỷ đồng, nhiều hộ dân thu nhập từ 15 – 50 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng giảm do chịu tác động của thời tiết khiến cho người trồng thất thu đáng kể. Dù vậy, theo đánh giá, trám vẫn đảm bảo chất lượng.
Hoài Nam