Người dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) đón xuân mới với niềm tự hào đã về đích huyện nông thôn mới. Từ ruộng đồng đến biển cả, nhịp điệu lao động sản xuất cuối năm vẫn đều đặn, làm cho bức tranh quê biển thêm đa sắc và sống động.
Xuân về trên những cánh đồng
Mùa xuân năm nay là xuân đẹp nhất đối với vợ chồng ông Lê Viết Hương ở thôn Đông Thịnh (xã Hồng Lộc). Niềm vui của họ được hun đúc từ ruộng lúa “thẳng cánh cò bay” đến khu vườn đầy cây trái, nếp nhà ấm cúng. Ông Lê Viết Hương phấn khởi: “Năm nay, chúng tôi đón tết vui hơn vì 2 vụ mùa vừa qua đã đưa về sân phơi 31 tấn lúa, đủ ăn cả năm và bán được 210 triệu đồng. Ngoài mồ hôi, công sức đổ ra trên đồng ruộng, những mùa vàng vừa qua còn là kết quả của công cuộc chuyển đổi ruộng đất. Cách đây hơn 1 năm, tôi mạnh dạn nhận khoán 4 ha đất cằn cỗi ở xứ đồng Cồn Hào rồi cải tạo mặt bằng, san đường, dẫn nước, be bờ… để có được thửa ruộng tốt và thành quả như ngày hôm nay”.
Nông dân Hồng Lộc tranh thủ thời tiết nắng ấm xuống giống vụ xuân năm 2024.
Với anh Trần Thành ở thôn Xuân Triều (xã Bình An), nhìn ruộng lúa 2 ha có mương dẫn nước vào tận ruộng, đường nội đồng vào tận nơi, cơ giới hóa đạt 90%…, trong lòng anh rộn lên niềm vui khôn tả. Gia đình anh đã hết cảnh chạy đôn, chạy đáo khắp các xứ đồng; thay vào đó chỉ làm một thửa lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa, làm nông nghiệp hữu cơ, hướng tới những vụ mùa cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn.
Nông dân Tân Lộc phấn khởi khi được chia ruộng thửa lớn nên gấp rút cải tạo để xuống giống vụ xuân kịp thời vụ.
Cuộc “đại cách mạng” đồng ruộng ở xã Hồng Lộc vào cuối năm 2022 đã mang đến sức sống, nét tươi mới trong bức tranh nông nghiệp Lộc Hà. Với nhiều lợi thế trong canh tác, lúa vàng trĩu bông phủ kín khắp 529 ha đồng ruộng và năng suất đạt đến 6 tấn/ha… đã thúc đẩy các xã khác học hỏi, làm theo. Cách đây 4 tháng, xã Tân Lộc đã bố trí 16 tỷ đồng để chuyển đổi 660 ha ruộng cho 1.621 hộ theo một thửa lớn gắn với xây dựng hạ tầng sản xuất đồng bộ. Xã Bình An cũng thí điểm thành công 60 ha ở thôn Xuân Triều và đã sẵn sàng nguồn lực để làm đại trà trên toàn xã trong thời gian tới.
Cánh đồng lớn sau chuyển đổi ruộng đất đã làm nên những vụ mùa bội thu.
Ông Lê Hồng Cơ – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà phấn khởi: “Chuyển đổi ruộng đất mở ra những ô thửa lớn, những cánh đồng lớn, hoàn thiện hạ tầng sản xuất, tăng cường ứng dụng KHKT, đưa cơ giới vào đồng ruộng, phát triển nền sản xuất theo hướng hiện đại và bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất ở Lộc Hà. Toàn huyện đã có 3 xã chuyển đổi được 1.249 ha, qua đó, tạo nền tảng để năm 2025 tích tụ được 1.610 ha, đến năm 2030 đạt 4.000 ha (chiếm 50% diện tích toàn huyện) và góp phần tạo nên diện mạo mới, sức bật mới trên đồng ruộng”.
Trồng trọt phát triển đã tạo “đầu kéo” cho chăn nuôi thành công, nhất là các mô hình nuôi tập trung, hiện đại. (ảnh nuôi bò lai nhốt ở xã Tân Lộc).
“Cùng với chuyển đổi ruộng đất, bức tranh sản xuất nông nghiệp ở Lộc Hà trong năm qua cũng đã có nhiều gam màu tươi sáng. Nhờ tinh thần hăng say lao động của người dân, sự sâu sát của các cấp, ngành nên toàn huyện đã gieo trồng được 8.297 ha (tăng 3% so với năm trước), sản lượng lương thực đạt 30.183 tấn (tăng 7% so với năm trước).
Trồng trọt phát triển đã tạo “đầu kéo” cho chăn nuôi phát triển với đàn trâu bò 10.802 con (tăng 7,3% so với năm 2022), đàn lợn 10.300 con (tăng 2,9% so với năm 2022), đàn gia cầm được duy trì 291.000 con…” – ông Lê Hồng Cơ chia sẻ thêm.
Niềm vui từ biển cả
Biển Lộc Hà vào xuân tràn trề sức sống với những đoàn tàu hối hả ra khơi mỗi khi chiều buông, sáng sớm trở về chở đầy tôm cá. Cảng cá Cửa Sót luôn nhộn nhịp tàu thuyền. Hòa vào nhịp điệu hối hả ấy, ngư dân Nguyễn Xuân Long (chủ tàu HT 90149 TS) cùng 13 bạn thuyền ở thôn Long Hải (xã Thạch Kim) rẽ sóng ra khơi với quyết tâm mang nhiều hải sản về cho đất liền ăn tết.
Quang cảnh tàu thuyền xuôi ngược, bán mua tấp nập ở cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim) vào mỗi sớm mai.
Trong niềm hân hoan, họ tự hào mình là người đi chinh phục biển khơi, làm chủ biển cả, được sống trong niềm vui lao động mỗi ngày và trở thành mạch nguồn nuôi sống gia đình, điểm tựa xây dựng quê hương.
Anh Long cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi đều đặn ra khơi 13 chuyến trên con thuyền 210 CV. Vượt trùng khơi chừng 25 hải lý, lao động cật lực xuyên suốt 2 ngày đêm để khi trở về mang theo hơn 1 tấn tôm, cá, mực, ghẹ và các loài hải sản có giá trị khác. Trừ chi phí, mỗi chuyến ra khơi bạn nghề có mức thu nhập 600-700 nghìn đồng/người/ngày, chủ thuyền 1,5-1,7 triệu đồng/ngày. Thành quả lao động đó đã giúp cuộc sống gia đình thêm ấm no, ăn tết đủ đầy”.
Những mẻ hải sản tươi ngon biển khơi ban tặng cho ngư dân Lộc Hà
Chị Nguyễn Thị Duyên – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà phấn khởi: “Tình yêu biển cả và trách nhiệm với cuộc sống đã giúp đội tàu hơn 300 chiếc cùng hàng nghìn ngư dân Lộc Hà vượt qua bao sóng gió, gian nan để mang quà tặng của biển khơi về đất liền. Nhờ mưa thuận, gió hòa, ngư trường dồi dào, ngư dân chăm chỉ, luôn được các cấp, ngành quan tâm nên sản lượng khai thác năm nay của toàn huyện đạt 2.864 tấn tôm, cá, mực, ghẹ và các loài nhuyễn thể khác, cho giá trị sản xuất trên 300 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái”.
Ở ven bờ, niềm vui cũng đã đến với những người dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy hải sản để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, vươn lên làm giàu. Trên diện tích 417 ha mặt nước mặn lợ, các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, công nghệ tuần hoàn, nuôi thâm canh liên tiếp được xây dựng, đi vào sản xuất ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, cho tổng sản lượng 1.778 tấn tôm, cua, cá các loại và 2.100 tấn nhuyễn thể, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng trong năm.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao ở xã Mai Phụ.
Ông Nguyễn Văn An – Phó Chủ tịch UBND huyện phấn khởi: “Lộc Hà đón xuân trong niềm vui của những vụ mùa bội thu… Cuộc sống bình yên, êm ấm, đủ đầy hiện rõ khắp các làng quê, trong mỗi nếp nhà và trở thành điểm nhấn trong bức tranh xuân. Đây cũng là điểm tựa để Lộc Hà hướng tới tương lai, xây dựng cuộc sống ngày thêm no đủ, đẹp giàu, hạnh phúc”.
Tiến Dũng