Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, chiều 16/5, đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh phối hợp với Sở Tư pháp, tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đồng chí Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh, cùng đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp chủ trì hội nghị.
Qua hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng 2014, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn thi hành Luật Công chứng cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh khảo sát tại một đơn vị công chứng
Các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh đều được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản nhằm đảm bảo tính đồng bộ về thể chế, phù hợp với mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Tại hội nghị các đại biểu đã cho ý kiến về: Việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hành nghề của công chứng viên; Tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; Việc thực hiện các quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản; Cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng; Phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng và chi phí khác; Việc quản lý nhà nước về công chứng.
Đồng chí Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp sát với nội dung Dự thảo Luật của các đại biểu.
Đoàn sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo gửi Ban soạn thảo dự án luật để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Trước đó đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã có buổi khảo sát và làm việc với Văn phòng Công chứng Thành Sen và Văn phòng công chứng số 1./.
Bách Hợp, Hà Phương/HTTV