KỶ NIỆM 203 NĂM NGÀY SINH PH.ĂNG-GHEN (28/11/1820 – 28/11/2023)
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăng-ghen, Đảng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến lên CNXH và hiện nay đang lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Ba-rơ-men, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ, trong một gia đình chủ xưởng dệt. Ông là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người có công lao, cống hiến vĩ đại đối với chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông đã cùng với Các Mác sáng lập học thuyết Mác – học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới; đồng thời bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác luôn có giá trị khoa học và cách mạng.
Các Mác (phải) và Ph. Ăng-ghen (trái). Ảnh minh họa Internet.
Từ sau cuộc gặp gỡ Các Mác năm 1844, Ph.Ăng-ghen đã trở thành người bạn, người đồng chí gần gũi, thân thiết của Các Mác, xây đắp nên một tình bạn cảm động và vĩ đại nhất của các lãnh tụ giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Kế thừa những trào lưu tư tưởng tốt đẹp nhất của loài người đến thế kỷ XIX (triết học Đức, kinh tế chính trị Anh và CNXH Pháp) và tổng kết thực tiễn trong thời đại mình, Ph.Ăng-ghen cùng Các Mác đã bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, mở ra một bước ngoặt căn bản trong triết học, cung cấp cho loài người một cách nhìn mới mẻ, một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới.
Với việc tìm ra quy luật giá trị thặng dư, Các Mác đã tìm ra những phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, luận chứng một cách có căn cứ khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản.
Bên cạnh đó, từ việc phân tích, mổ xẻ chủ nghĩa tư bản, Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã phát hiện ra những quy luật vận động và phát triển của nó, trên cơ sở đó dựa vào sự phát triển của xã hội tương lai, chỉ ra lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân phải tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp. Vì vậy, CNXH mác-xít là CNXH khoa học, khác hẳn CNXH không tưởng ở Pháp trước đó.
Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài, Ph.Ăng-ghen còn là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết mác-xít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng.
Tuy nhiên, với bản tính khiêm nhường, Ph.Ăng-ghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải rập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Ông kiên quyết đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, coi thường những điều kiện và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh. Khi tình hình thay đổi và cuộc sống thực tiễn đặt ra những vấn đề mới, Ph.Ăng-ghen dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm của mình. Ngay cả một số nhận định trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” sau này đã được Ph.Ăng-ghen cùng với Các Mác thừa nhận: nếu được viết lại thì cũng cần bổ sung và yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăng-ghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH và hiện nay đang lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Trong đó, đổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết, tư tưởng đó, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của nó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, dùng lý luận đó làm cơ sở quan trọng để đánh giá tình hình, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, lấy đó làm cơ sở xuất phát để hoạch định đường lối đổi mới.
Thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói chung, của Ph.Ăng-ghen về con đường đi lên CNXH, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói chung, của Ph.Ăng-ghen về con đường đi lên CNXH, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Đảng đề ra và từng bước bổ sung, phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Nội lực của đất nước và dân tộc đã được huy động vào các mục tiêu phát triển, cùng với các nguồn ngoại lực ngày càng được tranh thủ, khai thác có hiệu quả, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng CNXH của Nhân dân Việt Nam đi tới thắng lợi.
Ngày 5/8/1895, trái tim của nhà bác học, người thầy lỗi lạc bậc nhất của giai cấp vô sản Ph.Ăng-ghen đã vĩnh viễn ra đi, nhưng tư tưởng ông để lại vẫn còn mãi tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng; góp phần vào sự phát triển của nhân loại nói chung và công cuộc đổi mới đất nước ta nói riêng.
H.L
(tổng hợp)