Đi qua những ngày xưa cũ còn nhiều thiếu thốn, lo toan và mong ước, tháng 10 nay trở về đối với mỗi người dân Hà Tĩnh là tâm thế háo hức, xôn xao bước vào kế hoạch sản xuất vụ đông, chạy đua hoàn thành mục tiêu trên các công trường, nhà máy…
Nông dân thôn Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) gieo trồng ngô vụ đông 2023.
Những niềm mong ước xưa
“Ngày tháng 10 chưa cười đã tối”, câu tục ngữ chỉ sự thay đổi của thời gian đồng thời là tiết khí ở nước ta vào tháng 10 hằng năm khi trong chu kỳ quay của trái đất, bán cầu Nam nghiêng hẳn về phía mặt trời. Đây cũng là thời điểm, miền Trung và miền Bắc có thời tiết diễn biến bất thường, xuất hiện nhiều cơn bão kèm theo lũ lụt hoặc những đợt không khí lạnh đầu mùa tràn về.
Đối với người nông dân miền Bắc xưa nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, tháng 10 mang đến nhiều niềm trăn trở, mong ước. Điều này xuất phát từ phương thức canh tác truyền thống trông cậy chủ yếu vào thiên nhiên. Thường mỗi năm chỉ có 2 vụ chính, đó là vụ đông xuân (hay còn gọi là vụ chiêm) thu hoạch vào tháng 5 và vụ mùa thu hoạch vào tháng 10. Sau nhiều tháng chăm sóc, tháng 10 là sự mong chờ no ấm khi có vụ lúa mới. Tuy nhiên, còn một lý do nữa, đó là vụ lúa này cũng mang nhiều rủi ro khi trong thời gian sản xuất thường xuất hiện bão, lũ. Vượt qua được tháng 8, 9 mới có hy vọng vào vụ lúa tháng 10 bội thu. Vì vậy mới có câu ca dao “Bao giờ cho đến tháng Mười/ Nấu nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn”.
Tháng 10 là thời điểm ở Hà Tĩnh thường xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, gây lũ lụt. Ảnh tư liệu.
Mẹ tôi năm nay đã ngoài 80, tóc bạc, chân chậm. Một sáng tháng 10, sau trận mưa đêm tầm tã, bà ngồi bên hiên nhà ngóng ra ngõ nói với con cháu: “Nếu mà là ngày xưa, mưa to như đêm qua là lụt hết cả làng rồi. Thóc lúa ngoài đồng coi như mất trắng, bao nhà lại lo không biết kiếm gì cho con ăn, con học. Rứa mà bây giờ, bây nói mưa vàng, mưa bạc”.
Anh trai tôi đang sắp xếp lại mấy bì thóc tránh chỗ ướt bên sân, khẽ cười nhìn mẹ: “Thóc lúa vụ hè thu đã gặt xong, khô khén cả rồi mẹ ạ. Sau mùa hè nắng nóng, giờ có trận mưa đất đai ẩm ướt, rất tốt cho việc làm rau màu vụ đông, nên mới gọi là mưa vàng, mưa bạc đó mẹ”. Mẹ tôi gật gù “ừ nhỉ?” rồi bỏm bẻm nhai trầu, ánh mắt lấp lánh nhìn đống thóc đã đóng vào bao, chất cao quá tầm người trước hiên nhà.
Nhờ ngọt hóa sông Nghèn, hàng nghìn ha đất nông nghiệp Can Lộc, Thạch Hà đủ nguồn nước để thâm canh mùa vụ. Trong ảnh: Nông dân xã Vượng Lộc (Can Lộc) thu hoạch lúa hè thu năm 2023.
Câu chuyện của mẹ và anh trai đưa tôi về hồi ức tháng 10 những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đó, như bao vùng quê hạ Can phía dưới chân núi Hồng, cái nghèo vẫn luôn đeo bám mỗi người dân làng tôi. Thiếu nước sản xuất, những cánh đồng về mùa hè đều khô khốc, nứt nẻ. Sau gặt hái vụ đông xuân, khoảng tháng Bảy âm lịch, người dân mới gieo cấy vụ lúa tháng 10. Thời tiết thất thường nên có khi vụ lúa này mất trắng, nhất là gặp phải mưa, bão…
Lúc đó, bố tôi là cán bộ thôn, sau nhiều trăn trở, ông thử nghiệm cấy lúa hè thu để tìm hướng đi cho bà con. Tuy nhiên, sau 3 vụ hoàn toàn thất bại, do lúc thì thiếu nước lúa không thể trổ bông, lúc lúa vừa trổ thì gặp lụt, ông chỉ biết thở dài, bất lực.
Công trình Bara Đò Điệm được hoàn thành xây dựng năm 2008, giúp hiện thực hóa ước mơ no ấm của người dân vùng hạ Can Lộc, Lộc Hà và Thạch Hà.
Thế rồi niềm mong ước của bố tôi cũng như người dân hạ Can đã đến. Ấy là khi công trình Bara Đò Điệm được tỉnh đầu tư xây dựng. Cả một khúc sông Nghèn với hàng triệu m3 nước được ngọt hóa, tưới tắm cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp vùng hạ Can. Vụ hè thu đầu tiên cách đây hơn 15 năm (2008), người dân quê tôi hân hoan vui sướng. Từ đó đến nay, cùng với các chủ trương, chính sách xây dựng NTM, làng quê khang trang, hệ thống kênh mương tiêu thoát lũ đầy đủ, cuộc sống ngày càng đổi mới ấm no.
Tháng 10 về không còn nỗi lo lũ lụt, thất bát mùa màng. Thay vào đó, người dân quê tôi lại trong tâm thế chuẩn bị cho sản xuất rau màu vụ đông. Những thứ rau, củ, quả xưa là món hàng xa xỉ nay lại do chính người dân quê tôi sản xuất, đưa vào các siêu thị, phân phối ra các tỉnh như: su hào, cải bắp, súp lơ…
Náo nức ngày mới
Xã Thạch Liên (Thạch Hà) là một miền quê thuần nông nghiệp. Trước đây, người dân chủ yếu trồng 2 vụ lúa (đông xuân và lúa mùa). Từ khoảng hơn 20 năm nay, nhờ có nguồn nước tưới ổn định, vụ mùa đã được thay thế bằng vụ hè thu và bà con có thêm vụ đông sản xuất rau, củ, quả như vụ chính cho thu nhập cao.
Nông dân Thạch Liên ra quân làm đất, chuẩn bị xuống giống rau, củ, quả vụ đông 2023.
Những ngày này, nông dân Thạch Liên đang tất bật với công đoạn làm đất, cày bừa, lên luống để chuẩn bị gieo các giống rau, củ, quả. Những người nông dân mang theo ước mong một mùa vụ mưa thuận gió hòa, nhiều thắng lợi.
Ông Trần Văn Hương – Chủ tịch UBND xã Thạch Liên cho biết: “Hiện cả xã có 30 ha sản xuất rau, củ, quả vụ đông. Từ năm 2011, nhờ chủ trương xây dựng NTM, xã bắt đầu quy hoạch diện tích để bà con sản xuất theo hướng hàng hóa. Những năm gần đây, nhờ tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, trung bình mỗi ha rau, củ, quả (sản xuất từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau) cho thu nhập từ 220-240 triệu đồng”.
Đưa vụ đông thành vụ sản xuất hàng hóa, nhiều nông dân xây dựng nhà lưới sản xuất theo công nghệ cao tại các địa phương như: Hồng Lộc (Lộc Hà), Tùng Lộc (Can Lộc), Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà)… cũng đang triển khai gieo các giống hoa phục vụ tết Nguyên đán 2024.
Nông dân Can Lộc trồng hoa trong nhà màng, phục vụ tết Nguyên đán. Ảnh: Tư liệu.
Tháng 10 cũng là thời điểm chính thức bước vào quý 4, giai đoạn “nước rút” thi đua sản xuất trên các công trình, nhà máy nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Kết thúc quý 3, doanh thu của công ty đạt 330 tỷ đồng (gần 79% kế hoạch năm). Tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất đẩy mạnh SXKD nhằm đạt và vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục ứng dụng KHKT, nghiên cứu sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cấp quy trình sản xuất và quản lý, trong đó tập trung sản xuất các sản phẩm mùa vụ như: giảm đau, chống viêm, trị cảm cúm…”.
Công nhân Công ty CP Dược Hà Tĩnh đóng gói sản phẩm chuẩn bị cho các đơn hàng.
Tính đến hết quý 3 năm 2023, ngành du lịch Hà Tĩnh đã đón hơn 2,9 triệu lượt khách, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra từ đầu năm hơn 400 nghìn lượt khách.
Ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Từ những kết quả đạt được, bước vào tháng 10, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng nhiều chương trình xúc tiến quảng bá du lịch ở các tỉnh phía Nam và vùng Đông Bắc Thái Lan nhằm thu hút du khách về với Hà Tĩnh. Đồng thời, sở cũng sẽ phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh và Trường Cao đẳng Nguyễn Du tổ chức nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác du lịch”.
Tháng 10 cũng chứng kiến tâm thế thi đua hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM ở nhiều địa phương. Là đơn vị đặt mục tiêu về đích huyện NTM trong năm 2023, hiện nay, huyện Kỳ Anh có 5/9 tiêu chí đạt chuẩn huyện NTM, trong đó, 30/36 chỉ tiêu đạt chuẩn theo bộ tiêu chí. Một số xã thực hiện tốt như: Kỳ Văn, Kỳ Sơn, Kỳ Thư, Kỳ Tân, Kỳ Đồng.
Trong đó, Kỳ Châu đã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, Kỳ Thư đạt chuẩn xã NTM nâng cao đã được tỉnh công nhận. 3 tháng cuối năm là thời điểm “nước rút” để Đảng bộ và Nhân dân huyện Kỳ Anh nỗ lực hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện NTM.
“Bao giờ cho đến tháng Mười…”, câu ca dao xưa không còn là ước mơ, khát vọng hết sự đói nghèo, thay vào đó, tháng 10 về trên mỗi miền quê núi Hồng – sông La là sự xôn xao của ấm no, hạnh phúc. Tháng 10 còn mang những hoài bão, là động lực để mỗi người dân thêm ý chí, quyết tâm xây dựng quê hương ngày một khang trang, mạnh giàu.
Thiên Vỹ