Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương (EPRC) thành lập năm 1993, dưới sự hợp tác giữa Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương và Hiệp hội động vật học Frankfurt (CHLB Đức). Từ năm 2013 đến nay, trung tâm hoạt động dưới sự hợp tác và đồng quản lý bởi VQG Cúc Phương và Vườn thú Leipzig (CHLB Đức).
Trung tâm đang chăm sóc cho 220 cá thể linh trưởng của 14 loài. Tất cả 14 loài đều nằm trong danh mục sách đỏ, động vật quý hiếm nguy cấp cần được bảo vệ.
Trong số các loài linh trưởng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn, voọc Chà vá chân nâu sở hữu vẻ đẹp độc đáo, màu sắc rực rỡ và hiếm có. Chúng được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng”.
Đại diện EPRC cho biết, đơn vị đang chăm sóc cho 14 cá thể voọc Chà vá chân nâu, bao gồm: 6 cá thể đực và 8 cá thể cái. Trong đó, 3 cá thể đực và 7 cá thể cái trong độ tuổi sinh sản (đang được ghép đôi), còn lại là 4 cá thể con non.
Giống đa phần các loài voọc khác, Chà vá chân nâu sống theo bầy đàn (từ 3-8 cá thể). Con đực trưởng thành là con đầu đàn duy nhất. Những cá thể trong đàn voọc có tính gắn kết xã hội rất cao, các thành viên thường dành nhiều thời gian chăm sóc, chải lông, vệ sinh lông cho nhau.
Khẩu phần ăn hàng ngày của cá thể trưởng thành chủ yếu là lá cây tươi (các loại lá có vị đắng, chát như lá khế, lá cây dâm bụt, cây màng tang, cây long não…).
“Hàng ngày các nhân viên sẽ đi cắt, thu gom lá cây, tổng lượng lá cần thu gom mỗi ngày khoảng 500kg. Lá được chia ra thành từng bó nhỏ (khoảng 400-500gram), mỗi bó lá sẽ có 3-4 loại lá khác nhau, nhằm đảm bảo sự thèm ăn và làm đa dạng khẩu phần ăn cho voọc”, cán bộ Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương cho biết.
Các con non được mẹ sinh ra sẽ được chú ý và chăm sóc bởi toàn bộ các con trưởng thành trong đàn, không chỉ riêng mẹ của chúng.
Đối với linh trưởng non (được cứu hộ) sẽ cho bú bình sữa, là sữa tươi tiệt trùng không đường, pha với một ít trà vỏ sồi (theo tỉ lệ). Tần suất cho uống sữa sẽ tùy theo độ tuổi.
“Giống như các loài Chà vá khác, Chà vá chân nâu có dạ dày phức tạp, gồm 4 ngăn. Quá trình tiêu hóa và lên men gần như tương tự với các loài động vật ăn cỏ khác như trâu bò, dê…”, cán bộ thú y của EPRC chia sẻ.
Anh Quang, cán bộ của EPRC cho biết thêm, phát hiện cá thể nào đau ốm, các nhân viên sẽ chuyển tới phòng khám thú y để chữa trị (trong địa bàn trung tâm, cách khu chuồng nuôi khoảng 200m). Trường hợp cần thiết sẽ tiến hành gây mê trước khi di chuyển nhằm hạn chế stress.
“Toàn bộ các cá thể linh trưởng được duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 lần/năm. Bác sĩ thú y tiến hành kiểm tra bằng biện pháp siêu âm, chụp X-Quang, và lấy mẫu xét nghiệm máu”, anh Quang cho hay.
Quy trình tái thả “nữ hoàng linh trưởng” cũng như các loài linh trưởng khác được thực hiện chặt chẽ. Các cá thể thời gian đầu chuyển vào khu bán hoang dã, được cho ăn đều đặn, sau đó dần dần cắt giảm bớt khẩu phần ăn để khuyến khích động vật tự ra ngoài kiếm ăn.
Tùy thuộc khả năng thích ứng của động vật, quy trình thường diễn ra trong vòng vài tháng đến khoảng 1 năm. Sau khi hoàn thành quá trình thích nghi, động vật được kiểm tra sức khỏe một lần nữa, nếu đủ sức khỏe sẽ chuyển tới khu vực tái thả.
Mỗi năm, VQG Cúc Phương đón hàng trăm nghìn lượt khách đến nghiên cứu, học tập, tham quan. Số lượng học sinh đến vườn không ngừng tăng lên. Các em đến đây để tận mắt nhìn thấy loài “nữ hoàng linh trưởng” của Việt Nam, khám phá những kiến thức thú vị về những nét sinh hoạt và ăn uống của loài động vật đáng yêu này.
Lãnh đạo Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương cho biết thêm, từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã cứu hộ gần 500 cá thể (15 loài), sinh sản 382 cá thể (11 loài). Tái thả về tự nhiên 154 cá thể (5 loài, bao gồm: 15 cá thể voọc Hà Tĩnh, 6 cá thể voọc Quần đùi trắng, 133 cá thể Culi).
Ảnh: VQG Cúc Phương
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nu-hoang-linh-truong-trong-trung-tam-cuu-ho-lon-nhat-viet-nam-20241004153409413.htm