Năm 2023, sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh được mùa toàn diện, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,7%. Cùng với thời tiết thuận lợi, kết quả của quá trình tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, an toàn đã đưa lại những giá trị mới.
Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh đi vào chiều sâu, trở thành cuộc cách mạng lớn, chuyển dịch cơ bản sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất tập trung, tích tụ ruộng đất trở thành xu thế
Năm 2023, Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết 06) đi vào chiều sâu, trở thành cuộc cách mạng lớn, chuyển dịch cơ bản sản xuất nông nghiệp. Những mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán được cơ cấu lại, dồn điền đổi thửa, tập trung; sản xuất chuyển dịch theo hướng thị trường, lựa chọn bộ giống chất lượng cùng đưa cơ giới hóa, tổ chức liên kết và được tiêu thụ chủ yếu qua kênh HTX, doanh nghiệp (DN) đầu chuỗi.
Bà con thôn Phú Trung san gạt, phá bờ thửa để tích tụ, chỉnh trang đồng ruộng, chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân 2024.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “So với các địa phương có nhiều lợi thế, huyện Kỳ Anh khó khăn hơn khi đồng đất không đều, điều kiện canh tác, tập quán thâm canh của người dân hạn chế… Huyện tập trung mạnh mẽ công tác tuyên truyền; hỗ trợ chính sách để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết hàng hóa, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, toàn huyện đã tập trung ruộng đất trên 688,55 ha, hình thành được gần 100 ha quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa theo hướng VietGAP, hữu cơ, liên kết với các DN, HTX để tiêu thụ sản phẩm”.
Theo thống kê, tổng diện tích phá bờ thửa nhỏ, thành thửa lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất toàn tỉnh đạt hơn 10.669,63 ha (riêng năm 2023 tăng thêm hơn 3.600 ha). Trong đó, hơn 4.185,09 ha tập trung, tích tụ theo hình thức chuyển đổi ruộng đất; 130,534 ha cho thuê quyền sử dụng đất, 224,39 ha góp ruộng đất để thành lập tổ hợp tác hoặc HTX… Một số địa phương tạo được đột phá lớn như: Can Lộc (hơn 3.302,28 ha), Thạch Hà (2.132,3 ha), Cẩm Xuyên (2.849,57 ha), Đức Thọ (723 ha), huyện Kỳ Anh (688,55 ha), Lộc Hà (538,5 ha), TP Hà Tĩnh (182,2 ha)…
Vùng sản xuất của HTX Sen Hào Thành được tích tụ trên diện tích 5ha từ các ruộng sâu trũng.
Điều quan trọng, chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất là “chìa khóa” để nông dân bứt phá, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, giá trị hàng hóa cao. Anh Nguyễn Tiến Sĩ – Giám đốc HTX Sen Hào Thành (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mô hình phát triển vùng nguyên liệu sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch được tích tụ từ các diện tích sâu trũng. Từ 5 ha ban đầu, hiện HTX đã có gần 30 ha sản xuất theo hướng liên kết với các tổ hợp tác, đưa lại thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha/năm đối với sen lấy hạt, trên 300 triệu đồng/ha/năm đối với sen lấy củ, tạo hệ sinh thái kinh tế cộng đồng bền vững. Chúng tôi cũng đã đầu tư các thiết bị máy móc để chế biến sâu các sản phẩm từ sen và đã có hàng hóa xuất đi một số tỉnh trong nước và nước ngoài”.
Biết tận dụng lợi thế cộng với phương án sản xuất kinh doanh khoa học, hiện nay, HTX Sen Hào Thành đã sản xuất, cung cấp nhiều sản phẩm từ sen.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng toàn ngành NN&PTNT đạt 2,7%; tổng giá trị sản xuất đạt trên 13.900 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực ước đạt 64,72 vạn tấn, tăng 4,8% so với năm 2022. Năng suất lúa xuân đạt cao nhất từ trước tới nay (59,85 tạ/ha); lúa hè thu có giá bán tốt nhất từ trước tới nay (tăng từ 10-15% so với năm 2022). Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, quản lý Nhà nước xây dựng NTM cũng đạt kết quả cao, chuyển dịch theo hướng thực hành sản xuất tốt (VietGAHP, hữu cơ…).
Ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trong những năm gần đây, xu thế sản xuất nông nghiệp tại Hà Tĩnh chuyển hướng theo hình thức cánh đồng lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất liên kết chuỗi giá trị gắn với thực hiện Nghị quyết 06. Điều này đã tạo “cú hích” cho đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển theo hướng quy mô lớn, nâng cao giá trị và hội nhập quốc tế gắn với thực hiện nội dung, tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Sở NN&PTNT đang phối hợp với Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau chuyển đổi. Cùng đó, ngành xây dựng định hướng phát triển nông nghiệp gắn với các chuỗi sản phẩm chủ lực theo vùng, miền sinh thái; thu hút DN, HTX đưa tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nhằm bảo đảm hiệu quả, bền vững”.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, lấy khoa học công nghệ làm trọng yếu
Từ gần 1 tháng nay, ông Trần Văn Kỉnh – Phó Giám đốc HTX Yên Diên, thôn Quy Vượng, xã Yên Hồ (Đức Thọ) đã phát động bà con xã viên ra đồng cày đất, sửa sang lại hệ thống kênh dẫn nước vùng sản xuất lúa hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên (43,8 ha). Nhờ được đầu tư đồng bộ hạ tầng, đồng ruộng tập trung nên công tác khởi động mùa vụ được triển khai khá nhanh.
Suốt 1 tháng nay, ông Trần Văn Kỉnh đã chỉ đạo bà con xuống đồng làm đất sớm để cải tạo đất, diệt trừ sâu bệnh trước khi bước vào vụ lúa mới.
Ông Kỉnh cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, mô hình sản xuất ổn định, ngoài quy trình sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt, HTX luôn chú trọng đầu tư bộ giống chất lượng (ST24, ST25), trang bị thiết bị máy móc từ khâu làm đất, thu hoạch, xay xát, sấy để tăng năng suất, chất lượng. Năm vừa qua, HTX đã có các đối tác ổn định khắp cả nước. Vụ xuân 2024, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích liên kết khoảng 400-500 ha lúa hàng hóa và bao tiêu sản phẩm”.
Năm 2024, Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch sản xuất 104.108 ha lúa, trong đó vụ xuân là 59.107 ha. Thời điểm này, các địa phương đã bắt đầu làm đất, chuẩn bị gieo cấy. Cùng với xây dựng cánh đồng lớn, các địa phương sẽ chú trọng khai thác các mô hình nông nghiệp mới; ứng dụng tối đa cơ giới hóa, khoa học công nghệ để tăng cao giá trị, sức cạnh tranh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Máy móc đã ra đồng, khởi động vụ sản xuất mới trên đồng ruộng huyện Cẩm Xuyên.
Chẳng hạn ở Cẩm Xuyên, vụ xuân này, địa phương mở rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng công nghệ máy cấy, mạ khay liên kết theo chuỗi với DN có quy mô 85 ha trên địa bàn 6 xã. Tại TP Hà Tĩnh, với quan điểm lấy tiến bộ KHKT, công nghệ làm chủ, địa phương tiếp tục phát triển các chuỗi giá trị như: sản xuất rau, củ, quả trong nhà màng; nông nghiệp “3 trong 1” gắn với du lịch sinh thái, chuỗi giá trị sen…; đồng thời triển khai các mô hình mới: dự án sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ mạ khay, cấy máy tại xã Đồng Môn; liên kết theo chuỗi giá trị nuôi cua trong hộp nhựa ứng dụng công nghệ nuôi 2 giai đoạn tại xã Thạch Hạ, Thạch Hưng…
Mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất hoa lan hồ điệp tại xã Thạch Khê (Thạch Hà) đã bước đầu thành công, chứng minh sự hỗ trợ hiệu quả từ KH&CN vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: “Trước mắt, ngành phối hợp với các địa phương chỉ đạo tốt các kế hoạch sản xuất năm 2024 gắn với nâng cao công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Cùng đó, tiếp tục kiên trì, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, căn bản về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thông minh; phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Hỗ trợ phát triển liên kết và thu hút DN, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa vào sản xuất…”.
Tuệ Anh