Với sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, ông Nguyễn Tiến Nhật (SN 1969, thôn Thuận Mỹ, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen, cho thu nhập cao.
Khác với nhiều mô hình kinh tế khác, ốc bươu của ông Nhật thả nhiều đợt nên lúc nào các ao cũng có hàng xuất bán.
Nhận thấy ốc bươu đen là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, được người dân ưa chuộng nhưng ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên, năm 2020, sau khi tham khảo trên mạng internet, ông Nguyễn Tiến Nhật (SN 1969, thôn Thuận Mỹ, xã Tân Mỹ Hà) đã quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng, cải tạo 2 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 500 m2, mua 2 vạn con giống về nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Nhật là một trong những người tiên phong trong nghề nuôi ốc bươu đen ở huyện Hương Sơn.
“Vạn sự khởi đầu nan”, bắt tay vào thử nghiệm do thiếu kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm, hơn nữa năm 2020 thời tiết giá rét kéo dài khiến gần một nửa ốc bị chết, ông bị thiệt hại hơn 50 triệu đồng.
Ông Nhật trồng rất nhiều sắn làm thức ăn cho ốc.
Sau thất bại vụ đầu, ông Nhật không nản lòng mà tìm đến các trang trại lớn tại các địa phương khác trong và ngoài tỉnh để học hỏi thêm. Đặc biệt, ông tìm đến các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ốc bươu do Hội Nông dân Đức Thọ, Can Lộc tổ chức để tìm hiểu thêm về quy trình nuôi.
Trong những lần nuôi tiếp theo, nhờ nắm vững kỹ thuật nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt. Từ đó ông rút ra những bài học kinh nghiệm nuôi ốc để tạo hiệu quả kinh tế cao. Theo ông, ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm; nếu không chủ động biện pháp phòng tránh tốt, con nuôi rất dễ nhiễm các bệnh như đường ruột, sưng vòi… Vì vậy, trước khi thả giống, ông luôn chú ý xử lý ao nuôi bằng vôi can xi (dolemit).
Ốc nuôi đảm bảo quy trình kỹ thuật nên có chất lượng tốt, hình thức đẹp.
Trong quá trình nuôi, cứ 10 ngày ông lại tiếp tục rải dolemit 1 lần để xử lý ao nuôi giúp ốc khỏe mạnh, nhanh lớn. Nuôi ốc bươu đen cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là bèo cám, bèo hoa dâu, lá sắn, mướp, bầu bí rất rẻ và dễ tìm.
Đặc biệt, ốc bươu đen chịu nhiệt kém nên mùa hè lại phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào hồ, làm mát bằng màng lưới hoặc trồng cây leo phủ bóng. Còn trong mùa đông, ốc gần như không hoạt động nên người chăn nuôi phải giảm bớt nước trong hồ, thả nhiều bèo, hoa sen để giữ ấm cho vật nuôi. Khi ốc đẻ trứng, ông lại thu gom các tổ trứng cho vào bể riêng, lắp đặt bóng điện và phun nước hằng ngày tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển, khoảng 20 ngày là bán được.
Ông Nhật còn cho biết thêm, nuôi ốc bươu đen dễ chăm sóc, không mất nhiều công sức, thời gian thu hồi vốn nhanh. Đầu năm 2021, ông Nhật tiếp tục mở rộng thêm 4 ao nuôi, thả 4,5 vạn con giống. Cuối năm đó, ông Thu về hơn 100 triệu đồng từ mô hình này.
Nhờ nắm vững các kỹ thuật, hiện nay, gia đình ông đã có 8 hồ nuôi ốc với gần 8 vạn con bao gồm cả ốc giống, ốc bố mẹ, ốc thịt. Tùy thời điểm ốc có giá khác nhau nhưng dao động từ 80.000 – 110.000 đồng/kg đối với ốc thịt; 3 – 3,5 triệu đồng/kg đối với ốc giống; 150 – 250 nghìn đồng/kg ốc bố mẹ.
Ông Nhật thường dùng các loại lá sẵn có như sen, cỏ, sắn để làm thức ăn cho ốc.
Từ năm 2022 đến nay, mỗi năm 8 ao nuôi đã mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng cho gia đình ông Nhật. Hiện nay, ốc bươu đen là món ăn được người dân ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Thời gian tới, ông Nhật dự tính sẽ tiếp tục thuê thêm 2 – 3 ao nuôi nữa để tăng thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà Trần Kim Chi cho biết, mặc dù thời gian nuôi chưa lâu nhưng với việc nắm vững quy trình kỹ thuật, mô hình của ông Nguyễn Tiến Nhật mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Năm 2023, các ao nuôi của ông cho thu hoạch ước đạt khoảng gần 20 tấn ốc bươi đen. Ngoài ốc thương phẩm, mô hình còn sản xuất ốc bươu giống cho thu nhập mỗi năm 40 – 50 triệu đồng.
Thành công của mô hình nuôi ốc bươu đen của ông Nguyễn Tiến Nhật đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện trong việc đa dạng hóa cơ cấu con nuôi. Chúng tôi đang tiếp tục xem xét và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Lê Đình Phước
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn
Hoài Nam