Bệnh khô vằn đang lây lan nhanh trên lúa hè thu ở Hà Tĩnh với diện tích nhiễm lên đến hàng nghìn ha.
Cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân huyện Thạch Hà phun phòng trừ bệnh khô vằn.
Thời điểm này, bà con nông dân huyện Can Lộc đang phải đối phó với bệnh khô vằn phát triển mạnh trên đồng ruộng sau những cơn mưa kéo dài từ cuối tháng 7 đến nay.
Anh Trần Văn Hạnh (thôn Đồng Huề, xã Vượng Lộc, Can Lộc) cho biết: “Bệnh khô vằn thường xuất hiện trước tiên ở các bẹ, lá già sát dưới gốc và bắt đầu “ăn” dần lên lá phía trên, làm cho lúa bị vàng và lụi. Hiện nay, thời tiết chuyển sang tiết Lập Thu, mưa nhiều hơn, lượng nước trên đồng ruộng không thiếu là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển, đặc biệt ở các ruộng nhiều nước, gieo cấy quá dày, rậm rạp”.
“Năm nay, diện tích và mức độ nhiễm khô vằn cao hơn năm trước khá nhiều, nhất là trên các giống Nếp 98, Nếp 87, TBR225… Tôi đã phun thuốc phòng trừ nhưng thời tiết lúc mưa, lúc nắng nên cũng chưa yên tâm được” – chị Phan Thị Hạnh (thôn Ban Long, xã Quang Lộc, Can Lộc) chia sẻ.
Bệnh khô vằn thường phát sinh trước tiên ở các bẹ và lá già sát dưới gốc.
Theo rà soát của ngành chuyên môn, Can Lộc hiện là địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn nhiều nhất tỉnh. Đến nay, toàn huyện có 475 ha lúa nhiễm bệnh, tỷ lệ gây hại 7 – 10%, nơi cao 20 – 25%, tập trung nhiều ở các xã Vượng Lộc, Thuần Thiện, Tùng Lộc…; đặc biệt là trên những chân ruộng cấy dày, bón nhiều đạm.
Theo ông Phan Xuân Phượng – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc, huyện đang chỉ đạo cán bộ chuyên môn cùng các xã tập trung theo dõi, điều tra, khoanh vùng cụ thể từng đợt bệnh phát sinh, từng trà lúa nhằm thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp; tập huấn hướng dẫn cho bà con các vùng có nguy cơ lây lan bệnh nhanh. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động xem xét trên đồng ruộng để có phương án phun phòng trừ sớm.
Bà con cần chú ý thăm đồng thường xuyên để theo dõi diễn tiến của bệnh khô vằn.
Tại huyện Cẩm Xuyên, bệnh khô vằn đã xuất hiện trên đồng ruộng từ khi lúa mới bắt đầu đẻ nhánh, làm đòng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà con nông dân, trong 1 tuần trở lại đây, vết bệnh xuất hiện nhiều, tỷ lệ gây hại cao, một số chân ruộng cả bẹ và lá phía trên đều bị chết.
Ông Trần Văn Minh (thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) cho hay: “Lúa hè thu đang ở giai đoạn trổ bông, nhiều diện tích của gia đình đã bị nhiễm bệnh khô vằn, đe dọa trực tiếp đến năng suất cuối vụ thu hoạch”.
Một trong những nguyên nhân khiến bệnh khô vằn xuất hiện nhiều ở Cẩm Xuyên là do bà con bón thừa đạm, bón nhiều lần hoặc bón đạm muộn để thúc đòng, làm cho lúa phát triển rậm rạp khiến ẩm độ bên trong tán lúa tăng cao. Khi gặp trời mưa giông, nóng ẩm rất thích hợp cho nấm bệnh phát sinh và lây lan. Vì thế, cần lưu ý thăm đồng thường xuyên, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ. Nếu để bệnh phát triển mạnh, gây hại trên lá, đòng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, cây bị yếu, dễ ngã đổ khi xuất hiện mưa, gió lớn.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, đến thời điểm này, bệnh khô vằn tập trung gây hại trên những chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm, tỉ lệ 5 – 7%, nơi cao 15 – 20%, cục bộ 30 – 40%, diện tích gần 2.000 ha; trong đó hơn 20 ha nhiễm nặng, tập trung ở các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ….
Cần thực hiện phun phòng khi bệnh khô vằn chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Vida5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Nevo 330EC, Tilt Super 300ND…
Theo dự báo, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng, xen kẽ có mưa rào và giông tạo hình thái thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ ở khoảng 24 – 32 độ C, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng cả về mức độ và phạm vi gây hại, đặc biệt gây hại nặng hơn trên những chân ruộng cấy dày, bón nhiều đạm.
Hiện nay, lúa hè thu của tỉnh đang ở giai đoạn đòng già – trổ bông, dự kiến thời gian trổ tập trung từ 10-15/8. Đây cũng là thời điểm hoạt động mạnh nhất của bệnh khô vằn.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản khuyến cáo các địa phương cần theo dõi tình hình thời tiết, thời điểm trổ bông của từng loại giống và cơ cấu giống để quyết định các phương án phòng trừ phù hợp, đúng lúc. Cần thực hiện phun phòng khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Vida5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Nevo 330EC, Tilt Super 300ND…;những ruộng bị bệnh nặng phun tiếp lần hai cách lần một 5 – 7 ngày.
Thái Oanh