Nhờ các cấp, ngành quan tâm, Nhân dân nỗ lực, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh đồng hành và bảo vệ thường xuyên nên các vùng quê nơi biên cương ngày càng bình yên, tươi mới, trù phú.
Những khu vườn xanh mướt của người dân thôn biên giới Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn).
Những ngày này, 149 hộ với 530 nhân khẩu ở thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) đang gấp rút thu xếp việc ruộng nương, dọn dẹp nhà cửa, chỉnh trang xóm làng để chuẩn bị đón tết cổ truyền. Tết năm nay, bà con nơi miền biên ải này vui hơn vì có nhiều vụ mùa thắng lợi, sinh kế ổn định, con cái học hành tiến bộ, xóm làng yên vui, trong thôn đã có nhà văn hóa thông minh và khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động.
Ông Tô Hồng Lĩnh – Trưởng thôn Làng Chè phấn khởi: “Được cấp trên quan tâm, bà con nỗ lực, BĐBP hỗ trợ nên thôn biên giới chúng tôi luôn đồng lòng, đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Năm 2016, chúng tôi là thôn biên giới đầu tiên về đích NTM, năm 2020 đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu và hiện nay đã có hệ thống đường sá, nhà văn hóa thôn, các công trình phúc lợi… khang trang, đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người thuộc tốp đầu của huyện với 55 triệu đồng/người/năm, cả thôn chỉ còn 3 hộ già yếu thuộc hộ nghèo”.
Bức tranh NTM Làng Chè đang bừng sáng giữa đại ngàn Trường Sơn.
Không chỉ có Làng Chè mà bức tranh NTM nâng cao ở miền biên viễn Sơn Kim 2 cũng ngày càng tươi đẹp, trù phú. Xã biên giới này luôn được xem là điểm sáng trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế, tạo “tường thành” vững chãi để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Ông Cù Mạnh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết: “Được sự đồng hành của BĐBP nên năm nay, KT-XH phát triển toàn diện với 994 tấn lương thực, 6.093 tấn chè búp, 200 ha rừng trồng cho khai thác, thu nhập bình quân đạt 53,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,53%, thu ngân sách đạt trên 10 tỷ đồng. Cùng với đó, xã đã giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao, 8/8 thôn giữ vững danh hiệu văn hoá, 100% hộ gia đình có bình chữa cháy, an sinh xã hội được chăm lo, QP-AN được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo”.
Nhịp điệu sản xuất hối hả, tấp nập vào mỗi buổi sáng mai ở cảng cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà).
Trên tuyến biên giới biển, xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) được xem là điểm nhấn nổi bật nhất với nền KT-XH phát triển, QP-AN đảm bảo, đời sống Nhân dân được chăm lo. Bức tranh kinh tế của xã biển cửa này có nhiều điểm sáng như: Đội tàu khai thác hải sản 96 chiếc hoạt động hiệu quả mang về 1.745 tấn tôm cá, cho giá trị gần 96 tỷ đồng; hoạt động thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chế biến, xuất khẩu lao động mang về 320 tỷ đồng; tổng thu nhập toàn xã năm 2023 đạt 415 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,5%…
Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kim Nguyễn Tiến Dần cho hay: “Cùng với phát triển KT-XH, công tác đảm bảo QP-AN cũng luôn được chăm lo. Cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo, đôn đốc lực lượng công an, quân sự địa phương phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Cửa Sót thường xuyên tuần tra, canh gác, giám sát địa bàn để bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân, bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo, nhất là trong các dịp lễ, tết. Các vụ việc phức tạp, các vấn đề mâu thuẫn phát sinh đều được phát hiện, xử lý kịp thời từ cơ sở nên không xảy ra điểm “nóng”, tình hình an ninh nông thôn, an ninh vùng giáo được đảm bảo”.
Xã biên giới biển Thạch Kim trong nắng sớm.
Hiện nay, Hà Tĩnh có 41 địa phương biên giới nằm ở 9 huyện, thị xã (biên giới bộ có 10 xã thuộc 3 huyện và tuyến biên giới biển có 31 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã). Các địa phương biên giới có tổng diện tích 198.917 ha, dân số gần 77.000 hộ/hơn 292.000 nhân khẩu. Trên tuyến biên giới bộ Việt – Lào có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Mán 154 hộ/455 khẩu, Lào 153 hộ/ 551 khẩu, Nùng 57 hộ/239 khẩu, Chứt 44 hộ/156 khẩu, Mường 36 hộ/103 khẩu, Thái 9 hộ/36 khẩu, Tày 7 hộ/22 khẩu…
Các địa phương biên giới của Hà Tĩnh là những nơi trọng yếu, nhạy cảm về QP-AN, thuộc diện vùng sâu, vùng xa, có điểm xuất phát thấp, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, trình độ và nhận thức của người dân chưa đồng đều. Vì vậy, những năm qua, ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, 13 đồn biên phòng đóng quân dọc hai tuyến biên giới đã cùng đồng hành, hỗ trợ 41 đảng bộ, chính quyền địa phương và Nhân dân chăm lo, xây dựng các vùng quê nơi biên ải ngày càng khởi sắc, khang trang.
Đồng bào Lào Thưng ở vùng “phên dậu” Phú Lâm, xã Phú Gia (Hương Khê) chăm sóc vườn cam sành bán tết.
Nhờ vậy, đến nay, tất cả các địa phương biên giới đều đã đạt chuẩn NTM, đô thị văn minh và có hàng chục thôn xóm đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu (tổng có 476 thôn) và hàng trăm vườn mẫu vừa đẹp vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, to đẹp. Đời sống sản xuất ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, số hộ giàu tăng nhanh, thế trận biên phòng toàn dân được củng cố, nền biên phòng toàn dân được chăm lo…
Đại tá Nguyễn Mậu Phúc – Phó Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh cho biết: Để có các vùng quê nơi biên cương khởi sắc và bình yên như hôm nay, BĐBP Hà Tĩnh đã tích cực đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và bà con nơi biên giới. Dấu ấn của những người lính biên phòng được thể hiện khá đa dạng, sinh động, thường xuyên trong mọi lĩnh vực như: hỗ trợ phát triển kinh tế, xây dựng NTM, “tiếp sức” cho trẻ em đến trường, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo trị an…
Người dân Bản Giàng, xã Hương Vĩnh (Hương Khê) treo cờ Đảng chuẩn bị đón tết.
“Đặc biệt, BĐBP đã phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chúng tôi cũng đã tập trung vào cuộc để ngăn ngừa hoạt động chống phá, gây rối của các thế lực thù địch hướng vào địa bàn phên dậu, đồng bào theo đạo, người dân tộc thiểu số.
Qua đó, giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, ngăn ngừa tốt các loại tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên” – Đại tá Nguyễn Mậu Phúc chia sẻ thêm.
Tiến Dũng