Nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội đã trở thành điểm tựa để người nghèo trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất – kinh doanh, từng bước thoát nghèo.
Chồng mất 13 năm nay, một mình bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1967, trú tại thôn Hà Phúc Đồng, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) phải “tất tả ngược xuôi” nuôi 4 người con khôn lớn. Bà không dư tiền để đầu tư làm ăn nên khó khăn cứ đeo bám. May thay, 5 năm trước, khi ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) dẫn vốn cho vay, cuộc sống của mẹ con bà đã thay đổi từng ngày.
Vay vốn chính sách, gia đình bà Nguyễn Thị Cúc đầu tư nuôi bò sinh sản và mua máy cày làm dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Cúc nhớ lại: “Trước đây, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ nguồn vốn chính sách, chúng tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò nái sinh sản và mua máy cày phục vụ sản xuất. Có máy cày, đến nay, mẹ con tôi đã nhận làm 1,5 mẫu ruộng, ngoài ra còn làm dịch vụ cày thuê khi mùa vụ tới. Nhờ đó, cuộc sống gia đình dần ổn định, từ hộ nghèo, chúng tôi đã vươn lên hộ cận nghèo và bây giờ đã thoát cảnh nghèo khó. Càng phấn khởi hơn khi nguồn vốn ngân hàng đã tạo sinh kế, giúp gia đình có việc làm và nguồn thu ổn định từ 50 – 60 triệu đồng/năm”.
Với gia đình ông Nguyễn Phương Trình (SN 1956, trú tại tổ dân phố Yên Thọ, thị trấn Thiên Cầm), những đồng vốn mà Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên cho vay thật sự quý giá. “Bản thân tôi là người tàn tật, vợ chồng làm nông, con đông nên cuộc sống rất chật vật. Ngân hàng CSXH đã “nâng đỡ” gia đình khi tiếp vốn để đầu tư nuôi bò nái sinh sản. Từ chỗ 2 con bò giống ban đầu với trị giá 50 triệu đồng mà ngân hàng cho mượn năm 2020, đàn bò của gia đình thời điểm cao nhất đã lên tới 16 con, nguồn thu gần trăm triệu đồng/năm. Từ là hộ nghèo, cận nghèo, đến nay, gia đình đã có cuộc sống ổn định”, ông Nguyễn Phương Trình chia sẻ.
Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các chương trình tín dụng.
Gia đình bà Cúc, ông Trình là 2 trong số hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện “bơm vốn” để sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đồng hành cùng địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, phòng giao dịch đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đối hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Điều đáng nói là thông qua công tác ủy thác cho vay qua 4 tổ chức hội, đoàn thể, thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch xã đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị – xã hội, tạo nên một kênh dẫn vốn và quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội an toàn, hiệu quả, phù hợp thực tiễn hoạt động. Đến nay, tổng dư nợ của phòng giao dịch đạt 609 tỷ đồng, trong đó 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là hơn 280 tỷ đồng với 5.724 hộ vay vốn”.
Nguồn vốn chính sách là điểm tựa để người nghèo Cẩm Xuyên tự tin xây dựng mô hình kinh tế.
Thực tiễn cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp người nghèo tại huyện Cẩm Xuyên có vốn để sản xuất – kinh doanh, mở rộng các loại hình dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt… Qua đó, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê, rà soát của UBND huyện Cẩm Xuyên, đầu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 5,13% nhưng đến cuối năm 2022 đã giảm xuống còn 4,39%. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của nguồn vốn chính sách xã hội.
Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn sau cho vay.
Hiện nay, nguồn vốn chính sách xã hội tiếp tục là điểm tựa, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất tại địa bàn Cẩm Xuyên. Qua đó, giúp địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cẩm Xuyên giảm còn 2,18%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,80 %, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm dưới 1,0%…
Thu Phương – Phan Trâm