Toàn xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện có 23 mô hình kinh tế doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đến dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều mô hình với các giống vật nuôi “độc, lạ” cho giá trị kinh tế cao.
Năm 2020, gia đình ông Nguyễn Văn Cương (thôn Trung Tiến) bắt đầu xây dựng mô hình nuôi dúi giống và dúi thương phẩm sau quá trình dài cha con “đèn sách” đi nhiều tỉnh, thành phố học tập kinh nghiệm.
Hơn 100 triệu đồng đã được gia đình đầu tư để xây chuồng trại, lắp điều hoà, quạt làm mát và hệ thống phụ trợ khác. Ban đầu, ông Cương chọn mua 40 cặp dúi giống tại tỉnh Quảng Ninh với giá từ 4 – 6 triệu đồng/con về nuôi.
Ông Nguyễn Văn Cương đạt doanh thu trên 400 triệu đồng mỗi năm từ nuôi dúi.
Ông Nguyễn Văn Cương cho hay: “Dúi là vật nuôi còn lạ trên địa bàn nên chúng tôi phải thật sự cẩn trọng trong quá trình chăm sóc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ nguồn thức ăn an toàn như: ngô, mía, tre… và sinh sống trong nền nhiệt độ dưới 30°C nên dúi khoẻ mạnh, phát triển tốt. Từ 40 cặp giống ban đầu, đến nay, đàn dúi của gia đình đã sinh sản lên trên 200 con. Dúi thịt hiện có giá 500.000 đồng/kg, dúi giống giá 2,2 triệu đồng/kg; mỗi năm chúng tôi đạt thu hơn 400 triệu đồng”.
Sau thời gian dài mưu sinh bên xứ người, năm 2021, anh Nguyễn Văn Phước (thôn Trung Tiến) trở về địa phương lập nghiệp tại quê nhà. Nhận thấy nhu cầu của thị trường, anh Phước mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn. Trên diện tích 250m², anh bố trí 7 bể, nuôi từ 3.000 – 4.000 con/bể.
Anh Nguyễn Văn Phước đang nghiên cứu để chủ động nguồn giống tại chỗ thay vì nhập lươn giống từ tỉnh Phú Yên về với giá cao.
Anh Phước chia sẻ: “Nhờ tuân thủ kỹ thuật nuôi và chú trọng phòng bệnh nên tỷ lệ sống cao, lươn phát triển tốt. Nguồn thức ăn chủ yếu là giun quế trộn cám, sản phẩm lươn thịt của gia đình được thị trường đánh giá cao. Mỗi năm, chúng tôi xuất bán trên 3 tấn lươn thương phẩm với mức giá từ 100.000 – 170.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. Hiện nay, tôi đang nghiên cứu để chủ động nguồn giống tại chỗ, thay vì nhập từ Phú Yên về với giá cao (từ 3.500 – 4.500 đồng/con)”.
Bên cạnh nuôi lươn không bùn, anh Phước còn nuôi thêm giống gà trắng Ai Cập, hằng tháng cung cấp ra thị trường trên 3.000 quả trứng. Anh Phước dự kiến sẽ xây dựng thêm bể nuôi lươn, mở rộng quy mô theo quy trình VietGap, tiến tới xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhằm tạo thương hiệu cũng như nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện nay, dúi thịt có giá 500.000 đồng/kg, dúi giống được bán với giá 2,2 triệu đồng/kg.
Thời điểm này, mô hình nuôi chồn thương phẩm và chồn giống của gia đình anh Phạm Văn Nhiệm (thôn Nam Thành) cũng đã được khởi động. Cùng với việc đầu tư bài bản hệ thống chuồng trại và thiết bị làm mát, gia đình đã mua 5 cặp chồn giống với giá trên 150 triệu đồng về nuôi.
Theo anh Phạm Văn Nhiệm, ngoài chủ động kỹ thuật, con giống, cơ sở sẽ cố gắng liên kết với các trang trại trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Cẩm Trung cho biết: “Toàn xã hiện có 23 mô hình kinh tế tiềm năng, cho doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đến dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều mô hình với các giống vật nuôi “độc, lạ” cho giá trị kinh tế cao. Việc xây dựng thành công các mô hình không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp địa phương củng cố vững chắc tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trên hành trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”.
Nuôi lươn không bùn là hướng đi của nhiều hộ gia đình ở xã Cẩm Trung.
“Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân đi tham quan, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi tại các mô hình tiềm năng trong và ngoài tỉnh; đề xuất ngành chuyên môn hướng dẫn người nuôi về khoa học kỹ thuật đối với những vật nuôi mới; hỗ trợ người dân trong tiếp cận vốn vay ngân hàng… Qua đó, không ngừng nhân rộng các mô hình kinh tế triển vọng, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển” – ông Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm.
Thu Phương – Phan Trâm