Nhà đầu tư Nga đề xuất nghiên cứu đầu tư điện gió tại Hà Tĩnh
Công ty TNHH NovaWind Việt Nam thuộc Công ty cổ phần Rosatom Renewable Energy (Nga) đề xuất nghiên cứu khảo sát, thiết kế xây dựng dự án điện gió tại Hà Tĩnh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có làm việc với Công ty TNHH NovaWind Việt Nam thuộc Công ty cổ phần Rosatom Renewable Energy (Nga) về phát triển điện gió.
Tại buổi làm việc, ông Evgenii Chivilev, Tổng giám đốc Công ty TNHH NovaWind Việt Nam cho biết, hiện nay, công ty sở hữu toàn bộ năng lực quản lý trang trại điện gió, sản xuất hàng loạt tua-bin gió, phát triển sản phẩm, tiếp thị và thương mại, hỗ trợ khách hàng về sản phẩm.
Ông Evgenii Chivilev cho biết, sau khi xem xét quy hoạch phát triển điện của Việt Nam, công ty nhận thấy thị trường Việt Nam, trong đó có Hà Tĩnh rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. Do đó, doanh nghiệp mong muốn được Hà Tĩnh tạo điều kiện để nghiên cứu khảo sát cũng như thiết kế xây dựng dự án phù hợp.
Ông Trần Báu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Hà Tĩnh luôn tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp có mong muốn tìm hiểu đầu tư vào địa phương. Chủ trương nghiên cứu khảo sát điện gió phù hợp với chiến lược của Việt Nam và định hướng của Hà Tĩnh.
“UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ phân công các sở, ngành liên quan phối hợp, trao đổi cụ thể với Công ty TNHH NovaWind Việt Nam trong quá trình khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Báu nói.
Ông Hà cũng lưu ý, việc đề xuất dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Trường hợp dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch thì chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép.
Hà Tĩnh được đánh giá có năng lượng gió tương đối cao, đạt 600-800 W/m2/năm (MW/km2/năm) với tốc độ gió đạt từ 6 – 9m/s (số liệu công bố của Viện Năng lượng – Bộ Công thương kết hợp với số liệu các nhà đầu tư khảo sát, đo gió các khu vực để đánh giá tiềm năng trên địa bàn tỉnh); đây là điều kiện tạo bước đột phá mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư vào khảo sát và nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) tại Hà Tĩnh. UBND tỉnh đã trình hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực 17 dự án điện gió với tổng công suất 3.325,7 MW.
Trên địa bàn tỉnh cũng có hệ thống trạm biến áp và đường dây cao áp, siêu cao áp 110kV, 220kV, 500kV tương đối đồng bộ, thuận lợi cho việc đấu nối, giải tỏa công suất các dự án về năng lượng. Đây là tiềm năng và lợi thế để phát triển các dự án năng lượng tái tạo và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.