Hôm nay, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổ chức lễ kỷ niệm 245 năm sinh (1778 – 2023), tưởng niệm 165 năm mất (1858 – 2023) của Nguyễn Công Trứ. Ông là danh thần, nhà chính trị, nhà khẩn hoang, nhà quân sự tài năng, nhà thơ lớn tài hoa của dân tộc.
Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), quê ở làng Uy Viễn (nay là xã Xuân Giang), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ ông là Đức ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, thân mẫu là Nguyễn Thị Phan – người xứ Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Chính nhờ truyền thống văn hóa, văn hiến của quê hương phụ thân, phụ mẫu đã hun đúc, hình thành nên nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh danh nhân đa tài, nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nhà thơ lỗi lạc, vị quan giàu lòng nhân đức, luôn chăm lo đời sống cho nhân dân. Ông thi hương đỗ Giải nguyên, làm quan được thăng Hữu Tham tri bộ Hình, sang chức Dinh điền sứ, được bổ chức Bố chánh sứ Hải Dương, rồi giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải Yên, sau được thăng Phủ doãn phủ Thừa Thiên.
Tượng thờ Dinh điền sư Nguyễn Công Trứ tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. (Ảnh: Khôi Nguyễn).
Hơn 2 thế kỷ đi qua, hậu thế có nhiều công trình tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của danh nhân văn hóa Nguyễn Công Trứ, nhưng vẫn còn nhiều điều, nhiều nội dung trong suy nghĩ, hành động của ông mà chúng ta chưa hiểu hết. Ông là một trong những người tiêu biểu mang đậm tính cách xứ Nghệ, Hồng Lam. Là người hoạt động sôi nổi, không ngưng nghỉ đầy ắp sự kiện. Ông đã để lại cho đời tư tưởng về lập đức, lập công, lập ngôn và những di sản văn chương bất hủ.
Một sự nghiệp có khi ở đỉnh cao vinh quang, vinh hiển khó ai bằng, đến cả những khi cay đắng ngậm ngùi, tận cùng số phận, Nguyễn Công Trứ vẫn luôn ngạo nghễ với đời, lừng lững đi giữa thế gian có ngàn vạn con mắt dõi theo, nhiều thế hệ ngưỡng mộ… Con người ấy đã nghĩ gì, mong ước gì, cần gì ở hậu thế hôm nay?
Nguyễn Công Trứ là con người luôn suy nghĩ và hành động trong bất luận mọi điều kiện, hoàn cảnh. Theo ông, “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”, nghĩa là phải dấn thân, có trách nhiệm với cuộc sống và xã hội. Con người phải có chí xông pha, hun đúc được tinh thần, có cốt cách cao đẹp, sự ngay thẳng để vượt qua mọi sương gió cuộc đời. Danh với Nguyễn Công Trứ đâu phải ở học vị, chức quan mà tài danh của ông làm việc để rạng danh cho quê hương, đất nước. Đọc và ngẫm lời ông hôm nay mới thấm thía làm sao!
Dù trong chế độ phong kiến, nhưng nhờ học rộng, tài cao, Nguyễn Công Trứ đã kế thừa tư tưởng của các bậc vĩ nhân trong thiên hạ để có cái nhìn xuyên thấu lịch sử, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đời sau.
Đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. (Ảnh: Khôi Nguyễn).
Với tầm nhìn xa, Nguyễn Công Trứ luôn mang trong mình một khát vọng lớn, khát vọng kinh bang tế thế. Ông là người có tài, mong muốn định quốc an dân. Với quan điểm “dĩ nhân vi bản” (lấy con người làm gốc) biết “khoan thư sức dân là kế sâu gốc bền rễ”, ông đã nhập cuộc tích cực với tinh thần xông xáo. Khi có loạn thì ông đánh Đông dẹp Bắc, trừ loạn nhiễu nhương; lúc bình trị thì đặt phương sách phát triển kinh tế, mở mang đất đai, hướng ra biển lớn.
Thời nào, chế độ trị vì cũng đều mong muốn cuộc sống muôn dân được yên bình, nhưng cách giáo hóa, chăm lo cuộc sống cho Nhân dân từ gốc rễ thì ít được quan tâm. Đó là từ cái ăn, cái mặc đến điều kiện sống cần thiết luôn được bảo vệ để người dân không phải tha phương cầu thực, không bị đè nén, ức hiếp, khổ sai… Nguyễn Công Trứ đã nhìn ra (tất nhiên thời đại ông còn rất nhiều cản trở, hạn chế) và ông đã có phương cách cụ thể. Sau khi khai khẩn vùng đất Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) từ các đơn vị hành chính được xác lập, Nguyễn Công Trứ đề xuất nhà vua một thử nghiệm về cách tổ chức quản lý làng, xã. Đó là vận hành hệ thống kinh tế, an ninh, lập trường học, kho thóc ở xã, tăng cường dân phu, thêm hương trưởng, ràng buộc viên chức làng xã bằng hình phạt nghiêm khắc.
Nhà bia đá, nơi ghi tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. (Ảnh: Khôi Nguyễn).
Người quản dân thì phải mẫn cán, cần, kiệm; phải biết dùng đúng người, đúng việc. Mới hay, thời nào kẻ làm quan cũng phải có 3 điều, đó là thanh liêm, siêng năng và cẩn thận. Soi vào ông để thấy được nhân cách kẻ làm quan, có được tầm nhìn xa trông rộng trong hoạch định đường lối, phương thức quản lý đến lộ trình phát triển để đem lại lợi ích thiết thực, bền vững.
Từ mẫu hình của ông với những khát vọng, tầm nhìn chiến lược, ta lại nghĩ đến và mong đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là người đứng đầu dù ở cương vị nào, lĩnh vực gì cũng phải luôn nhiệt huyết hành động, lăn xả vào công việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ở đời, không phải ai cũng được trời phú cho đa tài, toàn năng văn võ song toàn như Nguyễn Công Trứ, nhưng những đức tính về sự nhiệt huyết, quyết tâm, về sự mẫn cán, tinh thần trách nhiệm… thì ai cũng cần phải có.
Từ công cuộc khai hoang lập làng mới, huyện mới của Nguyễn Công Trứ những năm 1828-1829 cho thấy mong ước đau đáu của ông là đưa nông dân về với ruộng đất, với thôn, ấp, làng mới, tạo điều kiện cho sự ổn định trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Đồng thời, tăng cường bảo vệ an ninh biển vùng duyên hải. Việc bảo vệ phải dựa vào dân, sản xuất phải gắn liền với giữ làng, giữ nước. Ngày nay, những mong ước ấy cũng rất gần gũi và thiết thực với người dân. Những suy nghĩ, hành động của ông dù đã cách đây hơn 2 thế kỷ nhưng chúng ta đã và đang tập trung thực hiện để xây dựng một xã hội thái bình, tạo cho người dân có cuộc sống an vui, hạnh phúc.
Nói theo cách hôm nay là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, gìn giữ, phát triển đạo học để nâng cao nhận thức, bồi dưỡng dân trí, tạo sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa, thiết lập kỷ cương xã hội, giữ gìn QP-AN… Trong công cuộc đó, người dân thực sự là chủ thể, được vào cuộc, được chăm lo, được phát huy khả năng của mình để mở mang đất đai, an cư, lạc nghiệp và làm giàu. Những nội dung trong suy nghĩ, hành động của Dinh điền sứ ngày ấy đâu có xa vời!
Nguyễn Công Trứ đã sống một cuộc đời luôn hành động không mệt mỏi với những đóng góp to lớn cho lịch sử. Dường như thời nay, bóng hình, suy nghĩ và hành động của ông vẫn gần gũi đâu đó quanh ta. Bởi mong ước của ông chúng ta đã và đang làm. Những suy nghĩ của ông càng ngẫm càng thấy ý nghĩa. Ông là biểu hiện tập trung, sáng chói của những tính cách con người xứ Nghệ, con người Việt Nam. Ở ông luôn thấm đậm nhân cách, phẩm chất kẻ sĩ của văn hóa tương lai.
Với ông, là kẻ sĩ khi đứng trước hiện thực xã hội có những thoái trào, một bộ phận con người biến chất, lung lay, phải có tư tưởng tích cực giúp dân, giúp nước. Ông là nhà tư tưởng, nhà nhân đạo chủ nghĩa. Ông xứng đáng được Nhân dân suy tôn là bậc anh hùng hào kiệt.
Phối cảnh market sân khấu lễ kỷ niệm 245 năm ngày sinh, tưởng niệm 165 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Công Trứ sẽ được huyện Nghi Xuân tổ chức vào tối 9/12/2023.
Với di sản là những áng văn chương truyền lại cho hậu thế, với tài năng sáng tác và tham gia hát ả đào, ông còn mong ước hôm nay đưa thể loại hát nói này vang xa hơn, nức tiếng thiên hạ nhiều hơn. Để câu ca trù luôn được cất lên ngợi ca cuộc sống thanh bình, những giá trị bản sắc văn hóa của quê hương được gìn giữ, phát huy trong thời đại mới.
Nguyễn Công Trứ sống hào hoa, tự tại, suy nghĩ, hành động vượt tầm đương thời; con người văn võ toàn tài có một không hai trong lịch sử sẽ tiếp tục được khám phá để lan tỏa, truyền cảm hứng cho hiện tại và tương lai… Con người đó đã góp phần làm rạng danh vùng đất núi Hồng – sông Lam.
Phan Trung Thành