Tính đến ngày 15/8/2023, tổng nguồn vốn huy động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt gần 4.600 tỷ đồng, chiếm 5% tổng nguồn vốn huy động của ngành ngân hàng Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh hiện có 32 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) hoạt động trên địa bàn 62 xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, hoạt động của hệ thống quỹ ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng, theo đúng tôn chỉ, mục đích.
Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh (Cẩm Xuyên).
Thời gian qua, công tác huy động vốn tiếp tục được các quỹ TDND trên dịa bàn Hà Tĩnh đẩy mạnh. Theo đó, hệ thống quỹ đã triển khai nhiều chính sách hiệu quả như: tăng cường thu hút, kết nạp mới thành viên theo quy định, tiếp cận khách hàng tiềm năng trong và ngoài địa bàn hoạt động. Chấp hành nghiêm túc biểu lãi suất huy động do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định theo từng thời điểm cụ thể để tạo niềm tin đối với khách hàng; thiết kế các sản phẩm tiền gửi ưu đãi cho khách hàng thân thiết; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Hà Tĩnh… Nhờ đó, nguồn vốn huy động của hệ thống quỹ TDND đã có sự tăng trưởng tốt.
Tính đến ngày 15/8/2023, tổng nguồn vốn huy động của các quỹ TDND trên địa bàn đạt 4.597 tỷ đồng, tăng 16,95% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 5% tổng nguồn vốn huy động trên toàn địa bàn.
Vốn huy động là nguồn lực để các quỹ TDND hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Một số đơn vị có sự tăng trưởng nguồn vốn tốt thời gian qua như: Quỹ TDND liên xã Cương Gián (Nghi Xuân); Quỹ TDND liên xã Cẩm Thành, Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh (Cẩm Xuyên); Quỹ TDND Giang Đồng Tiến (huyện Kỳ Anh); Quỹ TDND Thạch Mỹ (Lộc Hà)…
Thực tế cho thấy, vốn huy động là nguồn lực quan trọng để các quỹ TDND tiếp tục tái đầu tư cho vay, hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội địa phương và đẩy lùi “tín dụng đen”, nhất là khu vực nông thôn.
Thảo Hiền